Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan hệ Việt - Mỹ có động lực mới nếu gỡ bỏ cấm vận vũ khí

Trung tâm Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) cho rằng việc Washington gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là vấn đề cấp bách do quan hệ hai nước ngày càng cởi mở.

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam từ 23 tới 25/5 của Tổng thống Barack Obama, chuyên gia Murray Hiebert và Phương Nguyễn của CSIS có bài viết đánh giá quan hệ hai nước sẽ có "động lực mới" nếu lệnh cấm vận vũ khí được gỡ bỏ hoàn toàn.

Washington áp lệnh cấm vũ khí sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975. Giới quan sát coi bỏ lệnh cấm là vấn đề cấp bách khi quan hệ song phương ngày càng nồng ấm và Mỹ - Việt hiện đều có mối quan tâm chung về duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Chính quyền Obama nới lỏng lệnh cấm hồi tháng 10/2014 để giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo đảm an ninh hàng hải. Sau thời điểm đó, Việt Nam kêu gọi Mỹ bỏ hoàn toàn lệnh cấm. Đối với Hà Nội, sự tồn tại của lệnh cấm đồng nghĩa với việc quan hệ giữa hai bên, bao gồm quan hệ quân sự, vẫn chưa trở lại bình thường hoàn toàn.

Quan hệ ngày càng cởi mở

Theo Hiebert và Phương Nguyễn, Việt Nam muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ trong lĩnh vực an ninh hàng hải giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng ngang ngược trên Biển Đông. 

Hai bên cũng đã đạt nhiều thành tựu quan hệ trong vài năm qua: nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện vào 2013, tăng cường hợp tác tuần tra bờ biển trong cùng năm, ký tuyên bố chung về tầm nhìn quốc phòng trong năm 2015. Điều quan trọng nhất là Việt Nam đã hoàn tất quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Mỹ và nhiều quốc gia khác hồi tháng 10 năm ngoái.

lenh cam ban vu khi sat thuong cho Viet Nam anh 1
Đại diện 12 nước trong đó có Mỹ và Việt Nam tham gia lễ ký kết TPP ngày 4/2. Ảnh: AFP

Theo CSIS, ký TPP không phải là quyết định dễ dàng với Hà Nội. Một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ nhận định, với đòi hỏi khó về chính trị và trình độ phát triển kinh tế còn thấp, các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn sa vào những cuộc đàm phán khó  trừ khi họ tin vào khả năng lãnh đạo khu vực của Washington trong tương lai. Cuối cùng thì Hà Nội đã vượt qua những khó khăn chính trị nội bộ để kết thúc được đàm phán. 

Dù quốc hội Mỹ vẫn đang muốn duy trì con bài nhân quyền, theo CSIS, việc duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương trong hoàn cảnh hiện nay có rất ít giá trị chiến lược với Mỹ. 

Gạt thêm tàn dư của hoài nghi

Dù quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ tiến những bước dài trong vài năm gần đây, theo các chuyên gia, quân đội hai nước mới chỉ bắt đầu tìm hiểu nhau. Nhiều người vẫn hoài nghi về ý đồ thực sự của Mỹ  trong hợp tác quân sự với Việt Nam. Cảm giác hoài nghi này không phải là mới, nó đã có kể từ sau Chiến tranh.

Sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao, hai nước nỗ lực giải quyết tàn tích của sự hoài nghi đó dần dần. Năm ngoái, nỗ lực ấy chính là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo chính trị cao nhất của đất nước. Chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy hai nước tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.

lenh cam ban vu khi sat thuong cho Viet Nam anh 2

Tổng thống Obama từng bày tỏ muốn sang thăm Việt Nam trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015. Ảnh: AP

Năm nay, Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam lần đầu tiên. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm từ khi hai nước khôi phục quan hệ.

Theo CSIS, bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cách để gạt thêm tàn dư của sự hoài nghi. Những người ủng hộ bỏ hoàn toàn lệnh cấm, như Thượng nghị sĩ John McCain, đề cao giá trị của việc hợp tác an ninh hàng hải sâu hơn với quân đội đang phát triển nhanh của Việt Nam. Tuy nhiên, những người phản đối kêu gọi Nhà Trắng chờ đợi Việt Nam đạt được tiến bộ trong một số vấn đề dân chủ nhân quyền mà Mỹ quan tâm.

Với Washington, bỏ hoàn toàn lệnh cấm là động thái “có qua có lại”. Lý lẽ chính mà Mỹ muốn gỡ bỏ là để coi như động thái về xây dựng niềm tin. Chính quyền Mỹ cũng muốn Việt Nam tích cực hơn trong giai đoạn tiếp theo của quan hệ quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán vũ khí.

Lệnh cấm đã lỗi thời

Những nỗ lực đầu tiên trong hoạt động mua bán vũ khí mới vẫn đang trong giai đoạn đầu tiên. Năm ngoái Bộ Quốc phòng hai nước thành lập một nhóm công tác về mua bán khí tài, cho phép những người đại diện của hai bên tham gia cơ chế chính thức về đối thoại chính sách quốc phòng giữa hai Bộ. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đóng vai trò then chốt trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tìm hiểu các thủ tục mua vũ khí Mỹ sau khi Washington nới lỏng lệnh cấm.

Việt Nam muốn mua hiện đại hóa quân đội từng bước và coi công nghệ quân sự Mỹ là yếu tố chiến lược để thực hiện kế hoạch. Ngoài xây dựng lực lượng phòng thủ hiệu quả để đối phó Trung Quốc, Hà Nội cũng muốn giảm dần sự phụ thuộc vào vũ khí Nga và hợp tác với các đối tác khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.

lenh cam ban vu khi sat thuong cho Viet Nam anh 3

Máy bay trinh sát P3C Orion của quân đội Mỹ.

 Ảnh: Airliners.net

 

Theo CSIS, mua những vũ khí nào từ các công ty quốc phòng Mỹ và thời điểm mua là hai yếu tố Việt Nam phải cân nhắc kỹ lưỡng. Về phương diện kỹ thuật, Việt Nam sẽ phải tích hợp khí tài Mỹ vào nền tảng quốc phòng hiện nay. Song điều quan trọng hơn là Việt Nam không muốn Trung Quốc coi việc mua vũ khí Mỹ là mối đe dọa mà họ cần đối phó.

"Chính sách đối ngoại của Mỹ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi các nhà lãnh đạo sử dụng những công cụ phù hợp. Chuyến thăm sẽ giúp Obama có cơ hội quan trọng để thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về suy nghĩ của chính giới Mỹ đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương hay không," chuyên gia của CSIS viết. 

"Quốc hội Mỹ sẽ có cơ hội đánh giá lại tình hình sau chuyến thăm của Obama. Nhưng một điều rõ ràng mà mọi người đều nhận thấy là lệnh cấm đã trở nên lỗi thời đối với thời cuộc."

Các ông lớn quốc phòng Mỹ tới VN trước chuyến thăm của Obama

Việt Nam tổ chức diễn đàn quốc phòng trong tuần này với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất vũ khí hàng đầu Mỹ, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.

Những vũ khí Việt Nam có thể mua nếu Mỹ bỏ cấm vận

Chuyên gia Mỹ nhận định máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion hay vận tải cơ đa năng C-130 Hercules là những vũ khí Việt Nam có thể mua nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm