Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bắt tay nhau trong Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine hôm 27/4 tại thủ đô Kiev. |
Ngày 13/5, trong chuyến thăm Nga để bàn về mối quan hệ giữa Moscow và Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bất ngờ có động thái “vuốt đuôi” điện Kremlin. Khi được hỏi về lời thề giành lại sân bay Donetsk của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Kerry cho biết ông chưa đọc bài phát biểu đầy đủ của Poroshenko, nhưng quan chức Mỹ cam kết sẽ cảnh báo Tổng thống Ukraine nếu nhà lãnh đạo này có ý định bắt đầu xung đột.
Đây là lần đầu tiên Mỹ tỏ ra không bênh vực các hành động của Kiev từ khi quan hệ Nga – phương Tây trở nên căng thẳng vì tình hình ở Ukraine. Nó cho thấy sự rạn nứt không nhỏ trong mối quan hệ giữa quốc gia này và các đồng minh.
Dù luôn tỏ ra cứng rắn, đến nay, Mỹ - quốc gia lãnh đạo khối đồng minh phương Tây - đã có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ với Nga, điển hình là việc nhiều quan chức ngoại giao cấp cao của Washington như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hay trợ lý của ông đã thăm Nga và bàn thảo các vấn đề liên quan đến Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ở Nga cũng đã chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin với lời ngỏ ý “sẵn sàng đối thoại” với Moscow về quan hệ 2 nước.
Washington Post ngày 15/5 đã bình luận về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama và hoạt động của John Kerry tại Nga. "Với Nga, chiến thắng lại đến 3 ngày sau lễ kỷ niệm 9/5, trong chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Mỹ tới khu nghỉ dưỡng Biển Đen ở Sochi. Chuyến thăm là dấu hiệu đầu hàng của người Mỹ".
Trong khi đó, khối quan trọng nhất trong quá trình giải quyết hòa bình ở Ukraine là Liên minh châu Âu (EU) dường như cũng đã quá mệt mỏi với Kiev. Vì thế, hàng loạt hoạt động đối ngoại của EU cũng như chính nội tại khối này trở nên rất mâu thuẫn trong việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nên đối xử với Ukraine như thế nào?
Mâu thuẫn nội bộ
Cung cấp vũ khí, hỗ trợ tài chính cho Ukraine, dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga là tâm điểm của những mâu thuẫn nội bộ trong khối Mỹ và EU. Trong khi Mỹ đơn phương hỗ trợ Ukraine, ngược lại, đồng minh của Washington là Liên minh châu Âu lại rất bất đồng trong vấn đề này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiếp đón lính Mỹ tới huấn luyện cho quân đội chính phủ của Kiev hôm 20/4. |
Đến nay, Mỹ vẫn từng bước hỗ trợ Ukraine dưới nhiều hình thức: Cung cấp vũ khí phi sát thương có giá trị khoảng 3 tỷ USD, gửi 300 quân tới đào tạo cho binh lính Kiev ở chiến trường miền Đông trong vòng 6 tháng… Mới đây, Washington quyết định tiếp tục bảo lãnh cho Ukraine vay số tiền một tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để quốc gia khủng hoảng này có thêm tiền trả cho các chủ nợ, đặc biệt là Nga.
Còn phía EU, những gì được xem là sự hỗ trợ của liên minh này đến nay hầu như chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy các hiệp ước hòa bình trên giấy tờ, cụ thể là 2 hiệp ước Minsk vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015. Cả 2 lần ký hiệp ước đều không có kết quả khả quan. Trên thực tế, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine chưa bao giờ yên ổn. Đến thỏa thuận Minsk 2.0, tuy chiến sự đã giảm phần nào, cả 2 bên vẫn không rời tay khỏi báng súng.
Ngoài nỗ lực ngoại giao này, EU gần như không thể thống nhất thêm bất cứ nỗ lực hỗ trợ nào cho Kiev. Trong khi Mỹ, Anh đang nghiêng về giả thuyết hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, Đức và Pháp lại lên tiếng khẳng định hành động này sẽ chỉ làm chiến sự ngày càng leo thang và gia tăng đổ máu.
Dù khối này đang có nhiều tranh luận về việc liệu có nên gửi quân hay không, ngày 24/2, Anh bất ngờ tuyên bố sẽ đưa gần 100 lính vào Ukraine. Quyết định này khiến cả EU ngỡ ngàng.
Ngay sau tuyên bố của Anh về việc cử quân nhân tới đào tạo các binh sĩ quân chính phủ Kiev, hôm 25/2, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đã khẳng định Paris không có kế hoạch đưa các cố vấn quân sự hay chuyển vũ khí tới Ukraine.
"Anh đang khiến tình hình chiến sự thêm trầm trọng. Nhưng chúng tôi vẫn giữ vững lập trường của mình, quyết tâm hạ nhiệt căng thẳng", Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Fabius phát biểu trên kênh France Info.
Tổn thất vì quay mặt với Nga
Phương Tây quyết định trừng phạt kinh tế Nga nhằm thể hiện thái độ không hài lòng khi cho rằng Moscow can thiệp quá sâu vào tình hình nội bộ ở Ukraine. Tuy nhiên, chính phương Tây - trọng tâm là EU - lại chịu những tổn thất lớn tới nền kinh tế mà khối này không lường trước được.
EU đã phải gánh chịu tổn thất lên tới 21 tỷ euro giá trị xuất khẩu vì các biện pháp trừng phạt mà chính họ áp đặt lên Nga. |
"Các biện pháp trừng phạt đã khiến tất cả chúng ta phải trả giá đắt. Liên minh châu Âu đến nay đã phải chịu tổn thất lên tới 21 tỷ euro (23,7 tỷ USD). Ở Tây Ban Nha, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề cả trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch”, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, ông Jose Manuel Garcia-Margallo, phát biểu hôm 9/2. Garcia-Margallo là quan chức đầu tiên công bố con số tổn thất của EU trong “cuộc chiến” trừng phạt nhằm vào Nga.
Những tổn thất về kinh tế đã khiến EU ngày càng chia rẽ vì chính sách trừng phạt kinh tế mạnh tay nhằm vào Nga. Hồi tháng 1, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi sớm hủy bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Theo tính toán của Nghị viện châu Âu, ít nhất 9,5 triệu chủ trại sản xuất nông nghiệp ở EU thiệt hại do lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga. Thủ tướng Ukraine Yasheniuk cũng cho biết, với lệnh cấm các mặt hàng sữa, hoa quả, rau xanh và đồ hộp của Nga, nền kinh tế Ukraine sẽ tổn thất tới 7 tỷ USD.
Tại cuộc họp không chính thức của các Ngoại trưởng châu Âu (thủ đô Latvia) ngày 6/3, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni phải công nhận rằng đã có những dấu hiệu tích cực ở Ukraine và cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi không cần các trừng phạt mới hay gia hạn trừng phạt”.
Hoài nghi những cam kết của Ukraine
Chưa lúc nào châu Âu tỏ ra nghi ngờ những lời cam kết từ phía chính phủ Ukraine trong tiến trình cải cách kinh tế và chính trị như lúc này. Thậm chí, phương Tây cho rằng trong tương lai, họ sẽ lại phải gồng mình để viện trợ thêm tài chính cho Kiev và lo sợ mối quan hệ căng thẳng với Nga tái bùng phát.
Từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay, EU đã chi hơn một tỷ euro viện trợ cho Kiev và số tiền này đã được hoàn tất cuối năm 2014. Kể từ đó, chưa có thêm bất kỳ thông tin viện trợ kinh tế nào được EU thông báo. Điều này cho thấy cuối cùng, EU cũng đã bắt đầu phủi tay với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ban đầu, EU quả quyết không can dự vào vấn đề quân sự và bây giờ là lĩnh vực tài chính ở Kiev.
"Phương Tây đang chờ Ukraine đưa ra ý tưởng rõ ràng về việc quốc gia này sắp làm gì và liệu rằng Kiev có nghiêm túc tiến hành cải cách. Liệu rằng Ukraine có thể trở thành một đối tác đáng tin cậy của EU. Và dĩ nhiên, Liên minh châu Âu còn đang chờ động thái của Nga ở miền Đông Ukraine", tờ Wall Street Journal dẫn lời học giả Ulrich Speck tại Viện nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế ở Brussels.
Con đường gia nhập EU của Ukraine cũng không thực sự khả quan. Ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm khủng hoảng ở Ukraine, ít quốc gia trong EU bàn thảo tới chuyện đưa Kiev gia nhập liên minh. Ngoài ra, chỉ một nửa chính phủ các nước EU đồng thuận thông qua thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị với Ukraine.
Câu chuyện về nạn tham nhũng ở Ukraine cũng là lý do khiến EU chính thức ngừng cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính cho Kiev. Một số quan chức cho rằng liên minh này sẽ còn phải đối mặt với một viễn cảnh tồi tệ là nếu Ukraine thất bại trong công cuộc cải cách và cuộc chiến ở miền Đông tái bùng phát, Kiev tiếp tục ngập trong nợ nần và Liên minh châu Âu lại phải viện trợ cho Ukraine số tiền không hoàn trả lên tới 3,22 tỷ USD.
Do đó, thay vì gánh trách nhiệm, bơm tiền và hậu thuẫn, EU đang từng bước thoái lui khỏi một Ukraine đổ nát. Hồi cuối tháng 3, ông Thornbjorn Jagland, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu, cơ quan đang tham vấn cho chính phủ Ukraine về quá trình cải cách hiến pháp, đã nhấn mạnh rằng nội bộ chính phủ Kiev còn nhiều bất đồng về việc phân quyền tự trị cho các khu vực ly khai.
Bản thân Tổng thống Poroshenko khẳng định ông sẽ không chấp nhận những yêu cầu của Nga về việc "liên bang hóa" tại quốc gia này. Thay vào đó, Poroshenko cho biết ông sẽ trao quyền tự trị cho các tỉnh miền Đông theo cách của mình.
Còn theo ông Jagland, nếu Kiev không tiến hành cải cách thể chế, không trao quyền tự trị cho các khu vực ly khai, chắc chắn Ukraine sẽ vẫn chìm trong chiến tranh và kinh tế không thể phục hồi.
Khi Ukraine không thể khôi phục nền kinh tế đang trong nguy cơ phá sản, các nước giúp đỡ quốc gia này sẽ phải chịu cảnh "mua chịu bán chịu" cho Kiev. Đó là lý do khiến Ukraine yêu cầu Nga tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu cho nước này từ ngày 1/5 khi các nước EU bao gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia ngừng hoặc cắt giảm nguồn cung cho Kiev do lo ngại Kiev sẽ không thể trả tiền mua khí đốt.
Với tình hình như hiện nay, viễn cảnh mà phương Tây buộc phải dần nới lỏng cánh tay cứu giúp một Ukraine khủng hoảng và không lối thoát có vẻ không còn quá xa vời.