Từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đặt trọng tâm chính sách đối ngoại vào việc đưa Nhật xích lại gần hơn với Mỹ.
Ông đến Trân Châu Cảng và có bài phát biểu lịch sử tri ân các nạn nhân. Chính quyền ông cũng khẳng định sự ủng hộ với các căn cứ quân sự Mỹ, bất chấp sự phản đối của người dân địa phương.
Kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, ông Abe đã 5 lần chơi golf cùng tổng thống Mỹ cùng 37 lần điện đàm. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Dấu ấn cá nhân
Bên cạnh việc ủng hộ nhiệt thành hiệp định TPP do chính quyền Obama khởi xướng, ông Abe cũng cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân gần gũi với nhà lãnh đạo Mỹ, đích thân đưa ông Obama tới một nhà hàng sushi nổi tiếng ở Tokyo.
Đến năm 2017, mặc dù ông Trump bước vào Nhà Trắng và quyết định rút khỏi TPP, ông Abe vẫn tiếp tục cách tiếp cận của mình. Ông tặng Tổng thống Trump gậy golf và hai người nhiều lần chơi môn này cùng nhau.
Việc thủ tướng Nhật Bản rời khỏi cương vị với lý do sức khỏe trở thành một trong những thách thức lớn nhất cho quan hệ đồng minh truyền thống giữa Tokyo và Washington, trong bối cảnh hai nước phải ứng phó mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh.
Hôm 31/8, ông Trump và ông Abe có cuộc điện đàm lần thứ 37 kể từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức, hai nhà lãnh đạo dành lời cảm ơn cho nhau vì lòng tin và tình bạn. Trên Twitter, ông Trump tuyên bố quan hệ Mỹ.- Nhật "chưa bao giờ tốt hơn" và gọi ông Abe là thủ tướng vĩ đại nhất lịch sử Nhật Bản.
Một trong những phụ tá thân cận của ông Abe, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, được coi là ứng viên hàng đầu kế nhiệm thủ tướng, sau khi nhận được sự ủng hộ của đảng LDP cầm quyền. Nhưng dù ông Suga nổi tiếng ở Nhật là người thực hiện các chính sách của ông Abe, ông có khá ít kinh nghiệm ngoại giao.
Nếu trở thành thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Nhật Bản giữa tháng này, ông Suga nhiều khả năng sẽ lập tức bắt đầu xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Trump.
"Các lãnh đạo Nhật nhận ra rằng cách tốt nhất để tồn tại và phát triển trên trường quốc tế là làm sao cho nhà lãnh đạo Mỹ đứng về phía họ", ông Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, nhận định.
Cách tiếp cận này nhiều khả năng không thay đổi. Sự ủng hộ cho mối quan hệ đồng minh với Washington vẫn rất mạnh mẽ trong chính giới Nhật, nhất là với sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga đang là ứng viên số một để kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. |
Một khảo sát của đài NHK năm nay cho thấy 73% người Nhật được hỏi muốn giữ hoặc củng cố liên minh với Mỹ.
Nếu thành thủ tướng, ông Suga gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên con đường của ông Abe. Nhưng câu hỏi là liệu ông Suga có thể tái hiện sự sáng tạo và nỗ lực cá nhân mà ông Abe thể hiện trong chèo lái chính sách hướng Mỹ của Tokyo hay không.
"Các nhân tố chủ chốt trong đảng LDP đều đồng ý rằng không ai có thể đạt đến tầm của ông Abe trong giữ gìn mối quan hệ với Tổng thống Trump và Mỹ, cũng như với các lãnh đạo quốc tế khác", ông Satohiro Akimoto, Chủ tịch tổ chức Sasakawa Peace Foundation USA, nhận định.
Ông Abe từng vượt qua sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập để trao thêm quyền cho lực lượng phòng vệ Nhật, cho phép binh sĩ nước này hỗ trợ quân đội Mỹ trong một số cuộc xung đột.
Ông cũng đóng vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng liên minh với các nước lớn ở khu vực như Ấn Độ hay Australia, nhằm tạo thêm sức mạnh cho liên minh Mỹ - Nhật để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người mà tuần trước đã đăng trên Twitter rằng "quan hệ Nhật - Ấn đã trở nên sâu đậm và chặt chẽ hơn bao giờ hết".
Chính sách "Ấn Độ - Thái Bình Dương Mở" của Mỹ - đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh - cũng lần đầu được đề xuất bởi ông Abe.
Những khó khăn sắp tới
"Tôi không nghĩ Mỹ phải lo lắng về khả năng Nhật Bản xa rời chúng ta, nhưng cần nghĩ rằng liệu Tokyo có còn là một đồng minh mạnh mẽ và có năng lực", ông Nicholas Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ và cố vấn chiến dịch cho ông Biden, nhận định.
Nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ lập tức phải xử lý các vấn đề quân sự nhạy cảm. Hồi tháng 6, Tokyo đã hủy kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất.
Đến cuối năm nay, Nhật Bản và Mỹ cũng sẽ bắt đầu đàm phán thỏa thuận mới nhằm xác định số tiền mà nước chủ nhà phải chi trả cho sự hiện diện của 54.000 lính Mỹ ở nước này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự, việc ông Abe từ chức sẽ là thách thức lớn cho mối quan hệ Nhật - Mỹ. Ảnh: Getty. |
Thỏa thuận cũ hết hiệu lực vào tháng 3 năm tới, và ông Trump từ lâu ngỏ ý muốn các đồng minh chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện của quân đội Mỹ.
"Nếu chúng ta trả thêm tiền, lực lượng Mỹ tại Nhật Bản sẽ trở thành thứ gì đó như lính đánh thuê, và tôi không nghĩ có ai lại muốn làm điều đó", Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là thách thức lớn. Trong khi Tokyo chia sẻ những quan ngại của Washington về sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh, và cảnh giác với mối đe dọa trực tiếp đến một số vùng lãnh thổ của Nhật, chính quyền nước này vẫn cố gắng giữ ổn định quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc.
Khi căng thẳng Mỹ - Trung đột ngột gia tăng, hay thậm chí là việc Washington và Bắc Kinh bất ngờ hòa hoãn sau cuộc bầu cử tháng 11 tới, đều có thể đặt Tokyo vào tình thế khó xử.
"Nếu một chính quyền mới nhậm chức ở Mỹ, họ sẽ tìm cách cài đặt lại mối quan hệ với Trung Quốc. Các lãnh đạo Nhật Bản cần phải cẩn thận trong việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền Mỹ hiện tại, đề phòng trường hợp khi chính sách thay đổi, chúng ta sẽ không chạy trước Mỹ", ông Fujisaki nhận định.