Chuyến đi của bà Pelosi gần như chắc chắn sẽ tạo ra những bất ổn lớn hơn trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và có nhiều khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột dễ xảy ra hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, cả Washington và Bắc Kinh đều sẽ không đạt được bất cứ lợi ích thực sự nào khi biến mối quan hệ cạnh tranh “mới chớm" thành các cuộc đụng độ quân sự mở, bất chấp những căng thẳng tăng cao do sự xuất hiện của chủ tịch Hạ viện Mỹ ở Đài Bắc.
Dù vậy, với việc bà Pelosi có mặt ở Đài Bắc, câu hỏi đặt ra hiện nay là Bắc Kinh sẽ có động thái phản ứng tiếp theo như thế nào.
Hầu hết nhà phân tích đều cho rằng rất có thể sẽ xảy ra một cuộc phô trương lực lượng quân sự. Và mặc dù các động thái của Trung Quốc có thể không đe dọa trực tiếp tới lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực, chúng có thể làm tăng thêm khả năng tính toán sai lầm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 3/8. Ảnh: Văn phòng lãnh đạo Đài Loan. |
Lý do bà Pelosi thăm Đài Loan
"Chúng tôi đến vì tình hữu nghị với Đài Loan, chúng tôi đến vì hòa bình cho khu vực", bà Pelosi nói trong cuộc gặp với phó lãnh đạo Lập pháp Viện Đài Loan Thái Kỳ Xương vào sáng 3/8.
Trước việc một trong những quan chức cấp cao nhất của Mỹ xuất hiện tại Đài Loan, cuộc “khẩu chiến" đã diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trên kênh NBC rằng Trung Quốc "nên suy nghĩ rất kỹ" về việc leo thang tình hình và cảnh báo Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lặp lại lời cảnh báo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden vào tuần trước, rằng Washington không nên "đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan và chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Vị thế của bà Pelosi cùng phản ứng gay gắt của Bắc Kinh đã khiến căng thẳng trong khu vực dâng cao.
Chuyến đi của bà Pelosi tới sẽ gây ảnh hưởng tới mức độ nào?
Đối với những người ủng hộ chuyến thăm, bao gồm nhiều thành viên đảng Cộng hòa phía sau bà Pelosi, điều quan trọng là Mỹ cần thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan và nhấn mạnh Washington nghiêm túc về cam kết pháp lý cung cấp phương tiện tự vệ cho hòn đảo.
Nhưng cuộc tranh cãi rõ ràng không chỉ giới hạn ở Đài Loan. Trong bối cảnh rộng lớn hơn, chuyến thăm diễn ra khi Trung Quốc được cho là thách thức không chỉ về lợi ích đối với Mỹ mà còn đối với các giá trị Mỹ mà Washington đang muốn phổ cập toàn cầu. Sức ảnh hưởng ngày một tăng của Bắc Kinh đang đe dọa ưu thế của Washington về kinh tế và quân sự ở Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc bà Pelosi nghe theo lời cảnh báo của Bắc Kinh và hủy bỏ chuyến đi tới Đài Bắc là chuyện không tưởng. Nó sẽ gửi một thông điệp rằng Mỹ, một trong những đối thủ số một của siêu cường quốc mới ở Thái Bình Dương, đang lùi bước.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khi rời cơ quan lập pháp ở Đài Bắc, Đài Loan vào ngày 3/8. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Joe Biden cũng có những cân nhắc về chính trị. Trong khi tổng thống công khai thừa nhận rằng quân đội Mỹ lo lắng về chuyến thăm, ông không thể công khai nghe theo phía Trung Quốc chỉ vì điều này.
Và một tổng thống khó có thể ra lệnh cho một trong những đại diện hàng đầu của nhánh chính phủ khác về những gì bà ấy nên và không nên làm, ngay cả khi các quan chức đã cố gắng thuyết phục bà Pelosi về những hậu quả tiềm ẩn sau quyết định này.
Khó thành xung đột
Trong khi tình trạng bế tắc hiện nay đang gây báo động, Đài Loan từ lâu đã trở thành vấn đề nóng trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Tranh chấp càng trở nên khó hiểu hơn bởi các thỏa thuận ngoại giao phức tạp và học thuyết chiến lược mang nhiều sắc thái của Mỹ được thiết kế để tránh khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Robert Daly, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh, đầu tuần này cho biết trước việc chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan, phản ứng của Trung Quốc, như một cuộc xâm nhập vào không phận Đài Loan, không có khả năng gây ra xung đột nhưng sẽ đẩy các đối thủ đến gần vùng nguy hiểm.
“Điều đó sẽ thiết lập một đường cơ sở mới dẫn chúng ta đến gần hơn với cuộc đối đầu”, Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson (Mỹ), nói với CNN.
"Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đối đầu vào khoảng thời gian này, nhưng tôi cũng không nghĩ mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ khá khẩm hơn" trong tương lai gần, ông nói.
Một số chuyên gia nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ không mạo hiểm châm ngòi một cuộc khủng hoảng mới ở eo biển Đài Loan trong bối cảnh kinh tế và chính trị nhạy cảm hiện nay.
Trong một vài tháng nữa, Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội toàn quốc đảng Cộng sản. Nền kinh tế nước này cũng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi mà các vụ phong tỏa hàng loạt vẫn diễn ra ở nhiều thành phố lớn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo Mỹ "trả giá" nếu bà Pelosi thăm Đài Loan. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng muốn quản lý mối quan hệ cạnh tranh mới này để nó không biến thành xung đột giữa cường quốc đang lên ở Thái Bình Dương (Trung Quốc) với cường quốc hiện nay (Mỹ) và các đồng minh của nước này.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với ông Tập hồi tuần trước rằng không có bất cứ sự thay đổi nào về bản chất cơ bản của mối quan hệ Mỹ - Trung hay lập trường của Nhà Trắng khi nói đến Đài Loan.
Tuy nhiên, nhìn từ phía Bắc Kinh, những động thái gần đây có thể để lại ấn tượng rằng ông không chân thành.
Trung Quốc cũng đang theo dõi phong trào ngày càng lên của các phe diều hâu trong Quốc hội Mỹ - những người đang mong muốn thay thế chính sách "mơ hồ chiến lược" với các tuyên bố rõ ràng hơn về việc Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công.
Một số nhà phân tích cho rằng sự thay đổi như vậy không chỉ có nguy cơ kéo Washington vào một cuộc chiến ở Thái Bình Dương mà người Mỹ chưa chuẩn bị sẵn sàng, mà còn có thể khiến Bắc Kinh trở nên gay gắt hơn.
Lời hứa về một “lá chắn” của Mỹ cũng có thể khiến Trung Quốc phản ứng mạnh hơn và khiến cuộc xung đột trên hòn đảo này có thể đến gần hơn.
Trong bối cảnh đó, trước chuyến thăm của bà Pelosi, tuyên bố chính thức của các quan chức chính quyền Biden khẳng định chắc chắn rằng không có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ. Nhưng họ cũng khẳng định quyền đi lại tự do của bà Pelosi và ám chỉ khả năng Trung Quốc có hành động đáp trả.
"Không có gì lạ khi các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đến Đài Loan", phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói. "Với tư cách là một quốc gia, chúng ta không nên bị đe dọa bởi lối nói hay những hành động tiềm tàng đó".