Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan hệ Mỹ - Philippines: 65 năm và 120 ngày

120 ngày đầu tiên lèo lái Philippines, Tổng thống Duterte khiến dư luận thế giới tốn nhiều giấy mực giải mã động thái của ông khi thách thức mối quan hệ kéo dài suốt 65 năm qua.

Vũ khí Mỹ khoe sức mạnh trong cuộc tập trận Balikatan Các binh sĩ Mỹ và Philippines thực hiện bài tập bắn đạn thật nhằm đảm bảo an ninh hàng hải và bảo vệ lãnh thổ trong cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) năm 2014.

Philippines và Mỹ từng là kẻ thù trong cuộc chiến Philippines - Mỹ bắt đầu năm 1899 và chấm dứt năm 1902. Đến năm 1951, hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung, theo đó Manila và Washington sẽ hỗ trợ nhau nếu một  trong hai nước bị bên thứ ba tấn công.

Mỹ sau đó đã duy trì sự hiện diện quân sự cả trong và ngoài Philippines. Philippines nằm trong chuỗi liên minh mà Mỹ đã thành lập ở châu Á (gồm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia) và trở thành một liên minh trụ cột chính trong chính sách chiến lược của Tổng thống Barack Obama là “tái cân bằng” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai chiến dịch “tái cân bằng” sang châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, quan hệ giữa Mỹ và Philppines càng được tăng cường.

Mỗi năm, hai nước tiến hành khoảng 28 cuộc tập trận chung thường niên, trong đó có 3 cuộc tập trận lớn (như tập trận Balikatan mà năm nay có sự tham gia của 5.000 quân Mỹ và 3.500 quân Philippines), để chuẩn bị đối phó với thảm họa và các biến cố khác.

tong thong Philippines anh 1
Philippines có những chính sách mới với Mỹ kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống. Ảnh: Reuters

Đồng minh lâu năm

Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 4 dẫn lời Tư lệnh quân đoàn hải quân Mỹ, Tướng John Toolan, phát biểu trong cuộc tập trận Balikatan với Philippines rằng: “Tham gia cuộc tập trận này chứng tỏ cam kết vững chắc của chúng ta. Hôm nay, chúng ta thực sát cánh bên nhau”.

Ông không ngờ rằng không lâu sau đó, Tổng thống Duterte tuyên bố tạm ngừng các cuộc tuần tra và tập trận hải quân chung với Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã phải lên tiếng nhắc nhở ông Duterte về tầm quan trọng của những cuộc tập trận này.

Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Philippines. Washington và Manila cũng đẩy mạnh quan hệ quốc phòng và ngày càng có nhiều chuyến thăm của tàu và máy bay Mỹ tới Philippines.

Mỹ đã có một thỏa thuận với người tiền nhiệm của ông Duterte về việc cho phép lực lượng quân đội Mỹ được luân phiên tới các căn cứ ở Philippines. Theo trang tin Gmanetwork, trước khi quan hệ với Philippines căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ tiếp cận quyền sử dụng thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước này, so với 5 căn cứ đã loan báo.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã gửi hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự và viện trợ phát triển cho Philippines. Ngoài ra, Philippines cũng là quốc gia nhận viện trợ của Mỹ nhiều nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ chương trình nhằm giúp các nước mua vũ khí - khí tài do Mỹ sản xuất.

Mạng tin Military.com tháng trước dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Mỹ sẽ gửi khoảng 40 triệu USD viện trợ quân sự cho Philippines để tăng cường chia sẻ tin tình báo, do thám và triển khai tuần tra hải quân.

Hồi đầu tháng này, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, nói rằng tổng viện trợ của Washington dành cho Manila trong năm tài chính bắt đầu từ hôm 1/10 là 180 triệu USD và “chúng tôi cam kết” thực hiện viện trợ đó.   

Ngoài ra, Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines. Sự gần gũi trong quan hệ giữa Mỹ và Philippines còn thể hiện qua hơn 3 triệu người gốc Philippines ở Mỹ. Theo điều tra của truyền thông, Philippines được coi là một quốc gia thân Mỹ nhất thế giới.

tong thong Philippines anh 2
Binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) ở Philippines. Ảnh: PhilStar .

Thay đổi sau 120 ngày của ông Duterte

Quan hệ Mỹ - Philippines vẫn như vậy hàng thập kỷ qua, cho đến khi ông Duterte nhậm chức tổng thống vào ngày 30/6 năm nay. Vì đã coi Philippines là đồng minh quan trọng trong chiến lược “tái cân bằng” nên những phát biểu của ông Duterte chắc chắn đã khiến Mỹ lo ngại.

Trong những tuyên bố công khai, giới chức Mỹ tự trấn an bằng bình luận mong muốn quan hệ Philippines và Trung Quốc tốt đẹp, “vì căng thẳng nào cũng có thể làm khu vực bất ổn và đẩy Mỹ vào thế phải hành động theo hiệp ước phòng thủ chung đã ký với Philippines năm 1951”.

Phát biểu với báo giới sau loạt tuyên bố không dễ nghe từ Tổng thống Duterte, người phát ngôn Nhà Trắng tin tưởng vào liên minh Mỹ - Philippines đã được xây dựng hơn 65 năm qua. “Giữa hai nước có các hoạt động giao lưu nhân dân phong phú và danh sách dài các mối quan tâm an ninh chung”, ông nói.

Giới chức Mỹ đã cố gắng giảm bớt tính nghiêm trọng trong những phát ngôn của nhà lãnh đạo Philippines. Trong khi đó, giới phân tích Mỹ tìm lời giải cho những động thái của tân tổng thống đảo quốc Đông Nam Á. Nhiều ý kiến cho rằng đáp số chính là vì kỳ vọng kinh tế không đặt vào Mỹ, mà là Trung Quốc.

Theo tờ New York Times, ông Duterte lên cầm quyền giữa lúc Philippines cần nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và tìm kiếm tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông không giấu giếm kỳ vọng Trung Quốc có thể giúp đỡ xây dựng mạng lưới đường sắt và trong chiến dịch tranh cử. Ông từng tuyên bố hoàn tất dự án xây dựng tuyến đường sắt “trên toàn đất nước” nếu đắc cử.

Trung Quốc có khả năng giúp ông thực hiện lời hứa này. Đó là lý do đoàn doanh nghiệp Philippines tháp tùng ông Duterte thăm Trung Quốc lên đến khoảng 400 người, thay vì khoảng 250 người như dự kiến ban đầu.

The Diplomat dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng mặc dù chính quyền Obama lo ngại về ông Duterte hơn những gì mà họ công khai nhưng hiện không có quan ngại lớn nào. Philippines vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ, nhất là về an ninh.

Ngoài ra, Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu kinh tế của ông Duterte. Hơn nữa, quan hệ Mỹ - Philippines là hai chiều.

Tuần này, nhà ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, đã tới thăm Philippines khi Tổng thống Duterte vừa tuyên bố “ly khai Mỹ”. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest tuyên bố Mỹ vẫn chờ đợi những lời giải thích từ Manila.

Cùng thời điểm diễn ra chuyến thăm Philippines của ông Russel, quân đội Mỹ đã chuyển giao một máy bay vận tải quân sự C-130 cho nước này trong nỗ lực giúp Manila hiện đại hóa quân đội.

Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg tại lễ bàn giao cho biết Mỹ đã cố gắng làm sáng tỏ những chỉ trích của ông Duterte về các chính sách hiện tại, bao gồm cả kế hoạch tập trận chung. Mặc dù lo ngại nhưng Đại sứ Goldberg khẳng định chính sách Tái cân bằng về châu Á của Mỹ vẫn được tiếp tục.

TT Duterte xoa dịu căng thẳng với Mỹ trước chuyến thăm Nhật

Trước thềm chuyến thăm tới Nhật Bản, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có động thái làm dịu tuyên bố muốn "tách" khỏi Mỹ.

Mỹ: Ông Duterte gây căng thẳng trên toàn cầu

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói những tuyên bố của Tổng thống Philippines Duterte gây căng thẳng cho Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Nguyễn Viết

Bạn có thể quan tâm