Trong cuộc đụng độ ngoại giao trên mạng xã hội, Tổng thống Trump nêu đích danh thủ tướng Anh và nói: "Theresa May, đừng nhằm vào tôi mà hãy chú trọng vào khủng bố Hồi giáo cực đoan đang diễn ra ở Anh".
Trước đó, không chỉ riêng bà May lên tiếng mà nhiều nghị sĩ Anh cũng tỏ thái độ bất bình và chỉ trích việc Trump sử dụng Twitter cá nhân với hơn 40 triệu người theo dõi. Trong một cuộc họp bất thường ngày 30/11, nhiều nghị sĩ Anh từ các đảng phái đã chỉ trích ông Trump là "phân biệt chủng tộc", "xấu xa".
Dù muốn tăng cường quan hệ với Mỹ, thủ tướng Anh phải công khai khẳng định việc Tổng thống Trump chia sẻ video gây tranh cãi "là điều sai lầm". Ảnh: Guardian. |
Người dân và nghị sĩ Anh tức giận
Nguồn cơn của sự căng thẳng bắt nguồn từ Twitter cá nhân của Tổng thống Trump, khi ông đăng lại một video vào ngày 29/11 có nội dung chống Hồi giáo. Video vốn do Jayda Fransen, thủ lĩnh nhóm Nước Anh Trước tiên cực hữu và chống nhập cư ở Anh, chia sẻ lần đầu. Bà Fransen từng bị kết tội hồi tháng trước vì lạm dụng một phụ nữ Hồi giáo.
Nội dung video mà Tổng thống Trump chia sẻ lại cho thấy cảnh nhóm người Hồi giáo đang đánh đập một thiếu niên, phá huỷ một tượng của tôn giáo khác. Hành động này của Trump ngay lập tức bị nhiều nghị sĩ Anh phản đối.
Nghị sĩ Stephen Doughty (Công đảng) bày tỏ bức xúc vì: "Ông ấy là tổng thống của nước Mỹ mà lại quảng bá tới hàng triệu người những nội dung xúc phạm từ người đại diện cho một tổ chức phát xít xấu xa muốn kích động bạo lực trên mạng và trong cuộc sống".
"Qua việc chia sẻ lại thông tin này, Tổng thống Trump cho thấy ông ta có quan điểm phân biệt chủng tộc, hoặc thiếu cân nhắc, hoặc năng lực kém; hoặc thậm chí là cả ba", nghị sĩ Doughty nói.
Một số nghị sĩ khác thì kêu gọi ông Trump hãy từ bỏ mạng xã hội. "Thế giới chắc sẽ tốt đẹp hơn nếu bà thủ tướng có thể thuyết phục ông Trump xóa tài khoản Twitter của ông", nghị sĩ Peter Bond của đảng Bảo thủ nói.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd nói: "Tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta đồng tình với quan điểm của ông Bone".
Tổng thống Trump đăng lại một video có nội dung chống Hồi giáo trên Twitter ngày 29/11. |
Trên Twitter, Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch cho biết ông đã liên lạc với chính quyền Trump. "Nhân dân Anh phản đối mạnh mẽ mọi giọng điệu đầy định kiến của phe cực hữu vì âm mưu gây chia rẽ, làm xói mòn sự bao dung và tôn trọng. Những người Hồi giáo ở Anh là những người ôn hòa và tuân thủ pháp luật. Tôi đã nêu rõ những quan ngại và các ý kiến này với Nhà Trắng".
Không chỉ người Anh mà chính các nghị sĩ Mỹ cũng không thể đồng tình với hành động của Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ John McCain nói ông "kinh ngạc" vì bài "tweet" của tổng thống. Trong khi Thượng nghị sĩ Orrin Hatch tỏ ra ủng hộ thủ tướng Anh, gọi bà May "là một trong những lãnh đạo thế giới xuất chúng nhất".
Thế khó khăn của thủ tướng Anh
Nỗ lực của bà May nhằm xích lại gần hơn với Mỹ giờ đây đang đặt bà vào tình huống khó khăn. Từ sau Brexit, chiến lược của thủ tướng Anh là tăng cường, củng cố quan hệ Anh - Mỹ, nên bà May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến gặp ông Trump ngay sau ngày nhậm chức của tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump lại nhiều lần "chọc giận" dân Anh khi tỏ ra can thiệp vào chính trị nước này. Hồi tháng 10, ông khẳng định (nhưng nhầm lẫn) rằng có mối liên hệ giữa tỷ lệ tội phạm gia tăng tại Anh với "sự tràn lan của khủng bố Hồi giáo cực đoan".
Thủ tướng Anh là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến gặp Trump sau khi ông nhậm chức. Ảnh: CNN. |
Hồi tháng 9, ông Trump thúc giục chống lại "những kẻ khủng bố thua cuộc" đằng sau vụ nổ ở ga tàu điện ngầm London. Tổng thống Mỹ còn cho rằng thủ phạm là một kẻ "quen mặt" với chính quyền và được chiêu mộ qua mạng Internet. Những nhận định này buộc Thủ tướng May và cảnh sát Anh phải công khai lên tiếng bác bỏ.
Trước đó, vào tháng 6, không lâu sau khi vụ tấn công khủng bố ở cầu London thì ông Trump tận dụng cơ hội để quảng bá lệnh cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.
Do vậy, người dân Anh vốn sẵn không ưa Tổng thống Trump, nay cơn giận dữ của họ ngày càng tăng. Khoảng 1,8 triệu người Anh đã ký vào một đơn thỉnh nguyện trên mạng để yêu cầu chính phủ thu hồi lại lời mời Tổng thống Trump đến Anh.
Thị trưởng London Sadiq Khan, một người Hồi giáo, nói việc chia sẻ video trên Twitter "là dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy ông Trump sẽ không được chào đón ở Anh"; đồng thời đứng về phía người dân đòi chính phủ hủy kế hoạch mời ông Trump đến.
Việc bị ông Trump "lời qua tiếng lại" trên Twitter buộc bà May phải tái khẳng định giữa chuyến công du tới Jordan rằng: "Tôi đã nói rất rõ là việc Tổng thống Trump chia sẻ lại video do phong trào Nước Anh Trước tiên đăng tải là điều sai lầm. Đó là một tổ chức kích động thù hận, muốn lây lan sự ngờ vực và chia rẽ cộng đồng chúng ta. Tổ chức này chống lại các giá trị tiêu chuẩn Anh".
Tuy nhiên, thủ tướng Anh khẳng định sẽ không rút lại lời mời ông Trump thăm chính thức. "Lời mời đã được đưa ra và được chấp thuận. Chúng tôi vẫn chưa thảo luận về ngày cụ thể".