Đầu năm 2020, hai bên hướng đến thiết lập quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược thông qua hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt tổ chức tại Leipzig, do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã biến hội nghị đánh dấu bước đột phá cho quan hệ trở thành buổi họp trực tuyến giữa những thành viên chủ chốt của EU với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cùng lúc đó, giới quan sát đều nhận định rằng năm 2020 là một thảm họa đối với mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 cản trở hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU diễn ra theo kế hoạch. Ảnh: AP. |
Năm 2020 sóng gió
Vấn đề không chỉ nằm ở việc Trung Quốc không thể khống chế được sự lây lan của virus corona và làm bùng phát đại dịch. Một nguồn tin nội bộ cho biết giới chức EU đã buộc phải “cân nhắc về loại hình địa chính trị mà Trung Quốc đang hướng đến”.
“Theo quan điểm của chúng tôi, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình công luận đổ dồn sự chú ý về cơn sốt Covid-19 để ban hành luật an ninh tại Hong Kong... tiến hành nhiều hành động khiêu khích trên trường quốc tế”, CNN dẫn nguồn tin nội bộ của EU.
Bất chấp sự phản đối từ quốc tế, Bắc Kinh đã áp dụng luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, bao gồm các quy định cấm ly khai, khủng bố và móc nối với lực lượng nước ngoài.
Luật an ninh mới tại Hong Kong khiến chính quyền Bắc Kinh hứng chịu chỉ trích từ công luận quốc tế. Ảnh: AFP. |
Một nhà ngoại giao châu Âu có kinh nghiệm làm việc với Trung Quốc nhận xét: “Năm 2020 đã cho nhiều nước thành viên (EU) thấy được rằng Trung Quốc ngày càng ít quan tâm đến việc phát triển quan hệ đối tác bình đẳng với châu Âu. Thay vào đó, Bắc Kinh cố gắng thay thế nền dân chủ phương Tây bằng hệ thống chính trị của riêng họ, đồng thời cố gắng nuốt trọn nền kinh tế của chúng ta từ bên trong”.
Tháng 8 đánh dấu khoảng thời gian mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc - EU xuống mức xấu nhất khi Ngoại trưởng Vương Nghị có chuyến công du châu Âu trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Tuy nhiên, thay vì được chào đón nồng nhiệt, phái bộ ngoại giao Trung Quốc nhận được sự tiếp đón miễn cưỡng từ lãnh đạo các quốc gia châu Âu mà họ ghé thăm.
Quyền giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPS), ông Steven Blockmans nhận định: “Theo tôi, chuyến công du của ông Vương Nghị là một thảm họa ngoại giao. Đặc biệt là tại Đức, nơi ông ấy nhận nhiều chỉ trích vì đã đe dọa một chính khách Czech đến thăm Đài Loan. Ông Vương thậm chí còn không được gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel”.
Chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bị đánh giá là "thảm họa ngoại giao". Ảnh: China Daily. |
Đối trọng với Mỹ
Thời điểm Ngoại trưởng Vương Nghị công du châu Âu, tờ China Daily cho rằng Trung Quốc và EU “phải cùng nhau ngăn chặn (Ngoại trưởng Mỹ Mike) Pompeo làm đảo lộn sự ổn định toàn cầu”.
Thực tế rằng một hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc khắc họa hình ảnh ngoại trưởng Mỹ như một nhân vật phản diện trên trường quốc tế cho thấy giới chức Trung Quốc đang e dè trước những chính sách ngoại giao cứng rắn của Mỹ trong thời gian gần đây.
Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh coi EU là đối trọng cần thiết để cân bằng với một nước Mỹ ngày càng cứng rắn. Một bài báo của nhà phân tích Xin Hua đăng hôm 9/9 trên Hoàn Cầu Thời báo cho rằng “Trung Quốc và châu Âu cần nhau”.
Cụ thể, ông Xin viết: “Trung Quốc và châu Âu cần tương trợ lẫn nhau để duy trì nền an ninh thế giới và hội nhập khu vực trước những lực lượng chống đối chủ nghĩa toàn cầu hóa và những người cổ vũ chủ nghĩa dân túy cực đoan ở phương Tây”.
Bài bình luận trên báo Trung Quốc đề xuất việc nước này cùng EU liên kết thành đối trọng với Mỹ trên trường quốc tế. Ảnh: Adobe Stock. |
Trước đó, EU cũng đã ghi nhận những điểm bất đồng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Vào năm 2019, lãnh đạo khối này tại Brussels đăng tải một bài phân tích và mô tả Trung Quốc vừa là “đối tác chiến lược”, vừa là “đối thủ về mặt ý thức hệ”.
Quan điểm nêu trên thừa nhận thực tế rằng nếu EU muốn tạo dựng mối quan hệ sâu sắc với Trung Quốc, họ cần phải đương đầu với những mối bất đồng nảy sinh thường xuyên.
Hành động của Trung Quốc trong năm 2020 vừa làm củng cố quan điểm của EU rằng quốc gia này là một đối thủ về mặt ý thức hệ của khối, vừa chứng minh rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng và cần thiết cho cả đôi bên.
Ngoài khía cạnh kinh tế, mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh sẽ củng cố vị thế của các nước thành viên EU trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, các quan chức EU cho rằng cần phải cân nhắc thật kỹ khi ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc, một trong những quốc gia gây ô nhiễm môi trường hàng đầu và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
CNN nhận định mối quan hệ phức tạp kéo dài hàng thập kỷ giữa EU và Trung Quốc đang rơi vào hoàn cảnh buộc hai bên phải hành động dứt khoát, không thể để sự lưỡng lự tiếp diễn, khi mà tình hình căng thẳng ngoại giữa Mỹ - Trung ngày càng trở nên tồi tệ.
Giới phân tích cho rằng nếu EU không thể tìm ra phương án cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều khả năng khối này sẽ rơi vào thế khó và bị đè bẹp giữa mối bất hòa giữa hai siêu cường của thế giới.