Quân đội Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ
Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc có thể là mối đe dọa lớn với các tàu Mỹ. Đó là nhận định của Albert Ravenholt từ năm 1964 khi đề cập tới nguy cơ dưới nước từ Bắc Kinh đối với Hải quân Washington ở biển Đông.
Trung Quốc hiện đại hóa quân sự song song với tăng trưởng kinh tế. |
Các tàu ngầm khi ấy do Nga cung cấp, đóng ở đảo Hải Nam ở cực Nam của Trung Quốc. Họ ước tính có 30-40 chiếc hoạt động - là đội tàu lớn thứ 4 thế giới sau Nga, Mỹ và Anh.
Gần 50 năm sau, mọi thứ thay đổi quá nhiều và quá nhanh nhưng vẫn trên cùng quỹ đạo. Khi Ravenholt - phóng viên ở Thượng Hải những năm 1940 thời chiến tranh Trung - Nhật - qua đời ở tuổi 90 năm 2010, Trung Quốc vẫn theo chế độ cũ nhưng mang đậm chủ nghĩa dân tộc hơn sau 3 thập niên tăng trưởng thịnh vượng.
Trung Quốc đầu tư đáng kể vào quân sự để theo kịp các cường quốc công nghệ phương Tây bằng cách xây dựng những chương trình vũ khí, khí tài hiện đại, các khả năng chống vệ tinh, chiến tranh ảo....
Năm trước, họ trình làng máy bay chiến đấu tàng hình Thành Đô J-20 - dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 2017 - 2019. Họ cũng xây dựng một hệ thống tên lửa chống hạm mặt đất để hạn chế các khả năng của nước khác trong chuyện tự do hàng hải ở các vùng biển khu vực, bao gồm cả biển Đông đang có nhiều tranh chấp.
Ngoài việc bổ sung đội tàu ngầm thông thường lên hơn 50 chiếc, Trung Quốc giới thiệu 4 hoặc 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Kim (loại 094), tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Năm 2007, họ hoàn tất việc xây dựng căn cứ ngầm hiện đại ở Hải Nam, cho phép các tàu dễ dàng tiếp cận hơn tới eo biển Malacca, biển Đông và Ấn Độ Dương. Mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là thiết lập lực lượng hải quân biển xanh hoàn thiện trong vài thập niên nữa, cho phép sức mạnh của lực lượng này vượt xa các vùng biển khu vực, về cả phía Tây hay phía Đông.
Trung Quốc cũng đóng đội tàu gồm "ít nhất 3" tàu sân bay. Năm 1998, sau khi Liên Xô tan rã, Bắc Kinh mua lại 1 tàu sân bay chưa hoàn tất từ Ukraine được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ chiến đấu chống ngầm. Tàu Varyag ban đầu được coi là sẽ trở thành khách sạn - sòng bạc nổi neo đậu ở Macau. Tuy nhiên, năm ngoái, hải quân Trung Quốc (PLAN) tuyên bố rằng, con tàu được nâng cấp lại cho "mục tiêu nghiên cứu khoa học, đào tạo và thử nghiệm".
Hay nói một cách khác, rất có thể nó được sử dụng để làm "động cơ dự trữ" cho một con tàu sân bay tương lai do chính Trung Quốc xây dựng. Varyag dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay, mang theo khoảng 30 máy bay chiến đấu J-15, trực thăng và đoàn thủy thủ 2.000 người.
J-20 - "siêu phẩm" của Trung Quốc. |
Có tỉ lệ phát triển trung bình hàng năm hơn 10% suốt từ những năm 1990, chi tiêu quân sự Trung Quốc giờ đây vượt qua châu Âu lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ.
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London gần đây đưa ra báo cáo đánh giá về cán cân quân sự toàn cầu 2012. Theo đó, ngân sách quốc phòng Trung Quốc luôn giữ mức tăng mạnh, nếu không phải là đáng báo động, bất chấp xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khiến ngân sách Mỹ và châu Âu sụt giảm mạnh. IISS cho rằng, chi tiêu của Trung Quốc sẽ vượt qua mức chi tiêu mà các thành viên châu Âu lớn nhất của NATO hợp lại vào năm 2015 và đưa ra lời kêu gọi liên minh này cần tiến về phía trước với sáng kiến "phòng thủ thông minh".
Do Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen đề xuất, "phòng thủ thông minh" sẽ tạo điều kiện cho NATO phối hợp và chia sẻ khả năng của các thành viên để có được sự hiệp lực trong giai đoạn hạn chế về tài chính.
Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đến thời điểm này lớn nhất trong khu vực nếu không kể Australia và New Zealand. Quốc hội Trung Quốc gần đây tuyên bố rằng, chi tiêu quốc phòng chính thức của nước này - giờ đây đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ - trong năm nay sẽ tăng 11,2%, đạt 106 tỉ USD. Trong khi tỉ lệ này có phần nhỏ hơn so với mức tăng 12,7% năm 2011 thì nhiều nhà phân tích tin rằng, con số này có thể không đại diện cho mức chi tiêu thực tế. Một số người nhấn mạnh, con số thực tế có thể gấp đôi vì số công bố chính thức không tính tới chi tiêu cho các chương trình vũ khí hạt nhân và không gian. |
Theo VNN