Theo SCMP, Viện Hệ thống Kỹ thuật (SEI) thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự Trung Quốc đang tập trung nhiều nhà nghiên cứu để xác định "nhu cầu cấp thiết" đối với binh lính tiền tuyến.
Báo PLA Daily vào ngày 18/2 cho biết những nghiên cứu sẽ tăng cường phối hợp với "các cơ quan dân sự", đặc biệt trong những lĩnh vực viễn thông và hỗ trợ hậu cần.
Cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu
"Đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và dân sự là cần thiết khi tăng tốc áp dụng những kết quả nghiên cứu của chúng ta", báo cáo nhấn mạnh.
"Dựa trên chuyên môn của những viện nghiên cứu khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực như viễn thông và hậu cần, SEI đã đưa ra một số trọng tâm đổi mới có thể tận dụng sức mạnh tổng hơp của các lực lượng nghiên cứu quân sự và dân sự của chúng ta".
Cũng theo PLA Daily, hơn một nửa trong số các dự án nghiên cứu của SEI trong năm nay có liên quan đến việc cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội.
Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu việc cải thiện năng lực chiến đấu là ưu tiên số một của PLA trong năm 2019. Ảnh: Xinhua. |
Học viện Kỹ thuật Quân sự nằm dưới sự quản lý của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và đã trải qua đợt cải tổ lớn vào 2 năm trước. Hiện học viện có 8 viện nghiên cứu, 2 trong số này tập trung vào lý thuyết quân sự trong khi các cơ quan còn lại chuyên về công nghệ, nghiên cứu y học và hóa học cùng kỹ thuật quốc phòng.
Cộng đồng quốc tế gần đây đã theo dõi chặt chẽ những hợp tác nghiên cứu giữa khối quân sự và dân sự của Trung Quốc. Washington cáo buộc tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei là mối đe dọa an ninh cho Mỹ và các đồng minh.
Các quan chức Mỹ bao gồm cả Phó tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây đã vận động các quốc gia đồng minh loại bỏ Huawei khỏi danh sách những nhà cung cấp thiết bị cho nền tảng mạng di động 5G. Mỹ tuyên bố các sản phẩm của Huawei có thể được sử dụng để phục vụ công tác gián điệp của chính phủ Trung Quốc, điều cả Huawei và Bắc Kinh phủ nhận.
Báo cáo của PLA Daily cũng thể hiện sự tuân thủ đối với các chỉ thị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ tịch Quân ủy Trung ương hồi đầu năm đã yêu cầu PLA coi việc cải thiện "khả năng chiến đấu" là ưu tiên hàng đầu trong năm 2019.
Bên cạnh đó ông Tập cũng ký sắc lệnh đưa ra quy định mới về giám sát, huấn luyện chiến đấu. Cơ quan quân sự hàng đầu Trung Quốc cũng sẽ triển khai các giám sát viên và thiết lập một hệ thống giám sát mới, tăng cường huấn luyện quân sự và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân.
Quy định mới về giám sát huấn luyện quân đội Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3. Đây được cho là gói biện pháp thắt chặt kỷ luật huấn luyện quân đội đầu tiên trong lịch sử nước này, theo Sputnik.
Kéo dài tầm ảnh hưởng
Các chuyên gia quân sự cho biết nỗ lực nghiên cứu của SEI phản ánh trọng tâm cải cách quân sự của Trung Quốc và kế hoạch phát triển mới của Học viện Kỹ thuật Quân sự nước này.
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc ở Hong Kong, ông Song Zhongping cho biết, không giống như các viện nghiên cứu khác của Học viện Kỹ thuật Quân sự, SEI tập trung vào hỗ trợ hậu cần, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến chiến đấu.
Ông Song cho rằng việc tái cấu trúc học viện đã cho phép nó thoát khỏi việc nghiên cứu lý thuyết và chú trọng hơn vào đổi mới công nghệ.
"Những thay đổi này đã cải thiện sự đóng góp của Học viện Kỹ thuật Quân sự trong khoa học và công nghệ, điều đó mở đường cho việc cải thiện khả năng tấn công của PLA", ông Song nhận định.
Trong khi đó chuyên gia quân sự Li Jie ở Bắc Kinh cho rằng các dự án nghiên cứu mới của SEI sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu tái cơ cấu của PLA, giúp củng cố đáng kể lực lượng không quân và hải quân.
Hiện tại lực lượng lục quân chỉ còn chiếm chưa đến một nửa quân số PLA, một sự thay đổi lớn so với trước đây. Ảnh: SCMP. |
Tân Hoa Xã đưa tin tháng trước cho biết quân đội Trung Quốc đã giảm quân số trên bộ của mình tới mức lục quân hiện chỉ còn chiếm chưa đến một nửa nhân sự của PLA. Động thái này đánh dấu một bước chuyển mình chiến lược, và là sự thay đổi quan trọng kể từ khi lực lượng này được thành lập hơn nửa thế kỷ trước, khi nó đang cố gắng trở thành lực lượng chiến đấu hiện đại.
Bắc Kinh đang đầu tư mạnh tay cho việc tái vũ trang, hiện đại hóa PLA, đặc biệt là quân chủng hải quân, với ngân sách quốc phòng lên đến 175 tỷ USD.
"Theo truyền thống, quân đội Trung Quốc thường tập trung vào việc hỗ trợ các lực lượng trên bộ của mình, nhưng sau khi cải tổ quân đội, các đơn vị khác như không quân, hải quân và các hoạt động chung giữa các quân chủng sẽ đòi hỏi một công tác hậu cần tinh vi hơn", chuyên gia Li cho biết.
"Bằng cách cải thiện công tác hậu cần, Trung Quốc có thể phát huy tầm ảnh hưởng của mình ở phạm vi xa hơn".