Theo bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Myanmar, bà đã cảnh báo quân đội nước này về viễn cảnh nhận lệnh trừng phạt quốc tế và "các biện pháp mạnh" từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay sau vụ chính biến ngày 1/2.
"Họ trả lời rằng: 'Chúng tôi đã quen với trừng phạt và vẫn sống sót trước những lệnh trừng phạt trong quá khứ'", bà Schraner Burrgener ngày 3/3 kể lại với báo chí.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo nguy cơ Myanmar bị cô lập. Tướng lĩnh Myanmar phản hồi rằng: "Chúng tôi đã học được cách có ít bạn bè".
Tuy nhiên, điều khiến giới lãnh đạo quân đội nước này "rất bất ngờ" lại là sự chống đối của người dân. Kế hoạch khôi phục quyền lực đã không diễn ra suôn sẻ như những lần trước.
Người biểu tình tại Yangon nấp sau chướng ngại vật khi đối mặt với lực lượng an ninh Myanmar ngày 4/3. Ảnh: Reuters. |
Mục tiêu của quân đội Myanmar là giành lại kiểm soát, chờ người dân dần quen với tình hình mới và "trở lại như cuộc sống bình thường".
"Tôi nghĩ quân đội đã rất bất ngờ vì kế hoạch này không còn hiệu quả như các năm 1988, 2007 và 2008", bà nhận định.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cũng nhận định chiến thuật của quân đội là điều tra các thành viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cùng nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, rồi chứng minh họ gian lận bầu cử, phản quốc hoặc cấu kết với nước ngoài để tống giam.
"NLD khi đó sẽ bị cấm hoạt động. Quân đội tổ chức bầu cử mới với mục tiêu giành chiến thắng và tiếp tục nắm quyền", bà cho biết.
Theo Schraner Burgener, phong trào phản kháng chính phủ quân sự đang được dẫn dắt bởi giới trẻ Myanmar, vốn đã trưởng thành trong 10 năm qua.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế "có biện pháp đúng đắn" với vấn đề Myanmar, đồng thời nhấn mạnh mọi quốc gia cần thực thi lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với giới lãnh đạo chính phủ quân sự. Chiến lược này sẽ "mạnh mẽ hơn" so với lệnh trừng phạt từ vài nước riêng biệt.
Hội đồng Bảo an dự kiến mở phiên tham vấn kín trong ngày 5/3 về vấn đề Myanmar.
Liên Hợp Quốc ước tính ít nhất 38 người biểu tình đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar riêng trong ngày 3/3. Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng thống kê được khoảng 18 trường hợp người biểu tình tử vong trong đợt biểu tình cuối tuần trước.