"Chỉ trong ngày hôm nay, 38 người đã chết", Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener nói với các phóng viên hôm 3/3. Bà cho biết hơn 50 người đã thiệt mạng từ khi phong trào biểu tình bùng nổ.
"Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi vụ đảo chính xảy ra", AFP dẫn lời bà.
Bà kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện "các biện pháp rất mạnh" đối với các tướng lĩnh. Bà cũng cho biết trong các cuộc trao đổi giữa bà với họ, các tướng đã phớt lờ những đe dọa trừng phạt, đồng thời hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử sau "một năm".
"Tôi sẽ tiếp tục, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc", bà nói.
Biểu tình ở Yangon hôm 3/3. Ảnh: AFP. |
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ ngày 1/2 khi quân đội lật đổ và bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi. Vụ binh biến làm bùng nổ phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự trên khắp cả nước.
Trước đó, AFP đã ghi nhận ít nhất 17 trường hợp tử vong trên khắp Myanmar trong ngày 3/3. Trong đó, tại Monywa thuộc khu vực Sagaing ở miền Trung, ít nhất 7 người thiệt mạng, theo một bác sĩ.
Ở ngoại ô Yangon, thành phố lớn nhất đất nước, ít nhất 6 người biểu tình tử vong, theo một nhân viên cứu hộ và nhà báo địa phương.
Tại nhiều khu vực của thành phố, người biểu tình sử dụng lốp xe và hàng rào thép gai để dựng rào chắn tạm thời trên các tuyến đường chính.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, hai người biểu tình đã thiệt mạng, một bác sĩ xác nhận. Người này cho biết thêm rằng một trong số các nạn nhân mới 19 tuổi và bị bắn vào đầu.
Một người biểu tình 19 tuổi khác qua đời sau khi bị bắn ở Salin.
"Họ không nên sử dụng vũ khí sát thương như vậy đối với những người biểu tình ôn hòa", bạn của anh, Min Pyae Phyo, nói trong nước mắt. "Tôi sẽ không bao giờ quên và tha thứ cho họ trong suốt quãng đời còn lại".
Một cuộc biểu tình ở Myingyan đã có thương vong khi lực lượng an ninh nổ súng chống lại đám đông mang theo những chiếc khiên màu đỏ tự chế. Một số nhân viên y tế xác nhận một thanh niên đã bị bắn chết.
Truyền thông địa phương ở bang Kachin phía bắc cũng đưa tin về những cảnh bạo lực tương tự.
Bạo lực hôm 3/3 xảy ra sau tin tức rằng 6 nhà báo Myanmar sẽ bị buộc tội theo luật cấm "gây sợ hãi, loan tin sai sự thật hoặc kích động người của chính phủ trực tiếp hoặc gián tiếp".
Ngoài một nhiếp ảnh gia của AP, 5 người còn lại đến từ Myanmar Now, Myanmar Photo Agency, 7Day News, Zee Kwet Online news và một nhà báo tự do. Họ phải đối mặt với án tù ba năm.
Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), hơn 1.200 người đã bị bắt kể từ sau chính biến, với khoảng 900 người vẫn đang bị giam giữ hoặc đối mặt với các cáo buộc.