Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, dự kiến vào tháng 9/2015, Tổng cục đường bộ sẽ sửa xong Thông tư 46. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét ban hành thông tư sửa đổi về việc bổ sung thêm chương trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe số tự động.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Nam Phong. |
Trước đó, Bộ GTVT tải nêu chủ trương sửa đổi Thông tư 46 theo hướng cấp thêm GPLX số tự động để đa dạng hóa loại hình đào tạo, phục vụ người có nhu cầu sử dụng riêng loại xe này.
Những người muốn điều khiển ôtô số sàn và số tự động vẫn được đào tạo và cấp giấy phép lái xe hạng B1, B2. Nhưng người có bằng lái xe số tự động muốn chuyển sang xe số sàn thì sẽ phải học và thi lấy giấy phép.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông khẳng định, chủ trương này xuất phát từ nhu cầu thực tế, khi người có nhu cầu học lái xe số tự động ngày càng cao. Một số nước trên thế giới cũng cho phép người lái xe lựa chọn việc học và thi lấy giấy phép lái xe số tự động hay số sàn.
"Người được cấp bằng giấy phép lái xe số sàn sẽ được lái xe số tự động. Nhưng người học chỉ có nhu cầu học lái xe số tự động thì phải chấp nhận giấy phép đó không được lái xe số sàn", ông Thạch nói.
Lãnh đạo Tổng cục truởng Đường bộ Việt Nam cho hay, sắp tới, những người chỉ có GPLX số tự động nếu cố tình vi phạm sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Về tiến độ thực hiện chủ trương trên, ông Nguyễn Văn Huyện thông tin, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu Vụ phương tiện người lái chỉ đạo các trung tâm sát hạch, trường đào tạo cấp GPLX chuẩn bị. Khi thông tư ra đời, đơn vị đào tạo phải điều chỉnh tăng giờ học lái xe số tự động lên.
Theo Bộ GTVT việc cấp giấy phép lái xe tự động là vì nhu cầu của người dân. Ảnh: Hoàng Hà |
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội lại phản bác chủ trương này. Theo ông, việc cấp thêm GPLX số tự động sẽ gây khó cho người dân muốn lái xe số sàn. Cảnh sát giao thông cũng khó kiểm tra hết.
Ngoài ra, việc dừng xe nhiều để kiểm tra cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vị Chủ tịch Hiệp hội này lý giải, số vụ tai nạn do người đi xe số tự động tăng do giáo trình và việc đào tạo cấp GPLX hiện chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo chất lượng chứ không phải do cấp loại bằng số sàn hay số tự động.
"Tôi đề nghị duy trì việc cấp một loại GPLX như hiện nay bởi trong chương trình đào tạo lấy bằng B1, phần lớn thời lượng học sử dụng số sàn, chỉ có 10 giờ về xe số tự động", ông Liên nói.
Tùy thuộc vào nhu cầu người học
Tại cuộc họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT đầu tháng 5/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa vấn đề đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ôtô số tự động ra bàn thảo.
Theo Bộ truởng Đinh La Thăng số lượng xe số tự động rất nhiều nhưng khi đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe lại chỉ bằng xe số sàn. "Như thế có hợp lý không?” - Bộ trưởng Thăng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định cả trong nước và quốc tế, nghiên cứu đề xuất việc đào tạo sát hạch theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, phù hợp với thực tiễn.
“Cần nghiên cứu, thay đổi chương trình đào tạo theo hướng nếu anh đăng ký đào tạo, sát hạch xe tự động, tôi cấp bằng tự động. Anh muốn học và thi xe số sàn, tôi cấp bằng số sàn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.