Quán cơm chay 3.000 đồng được vợ chồng anh Trương Văn Giáp (41 tuổi, ngụ ấp 3, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) mở tại nhà riêng từ tháng 10/2014. Mỗi ngày, quán bán từ 6h đến 21h, phục vụ trên 200 suất cơm.
Mỗi suất cơm 3.000 đồng góp phần giúp đỡ người thu nhập thấp. Ảnh: Ngọc An. |
"Quán được thành lập để giúp người nghèo, thu nhập thấp có bữa ăn đảm bảo chất lượng. Mỗi suất cơm giá 3.000 đồng giúp họ tiết kiệm trong chi tiêu, dành dụm", chủ quán Trương Văn Giáp cho hay.
Trước đây, Giáp làm nghề lái xe tải còn vợ làm công nhân tại một công ty đóng tại huyện Long Thành. Thu nhập của hai vợ chồng đủ chi tiêu và nuôi hai con nhỏ ăn học. Đầu năm 2014, anh bán xe tải được 250 triệu đồng rồi dùng số tiền đó xây dựng quán cơm 3.000 đồng và mở quầy bán cà phê, nước giải khát.
Từ lúc Giáp mở quán, chị Phí Thị Trang cũng xin nghỉ việc công ty, ở nhà cùng chồng thức khuya, dậy sớm làm cơm phục vụ người nghèo. Chị cho biết, hai người tìm đến những ngôi chùa trong vùng học cách chế biến các món chay. Hàng ngày, họ thức dậy vào 4h, đến chợ mua đậu phụ, rau, củ, quả tươi.
Chủ quán Trương Văn Giáp chế biến món chay phục vụ khách. Ảnh: Ngọc An |
Suất cơm chay được chủ quán chế biến công phu với 8 món, gồm kho, xào, luộc, sốt cà chua… đảm bảo chế độ dinh dưỡng.
Công nhân Võ Minh Phong cho biết: "Đĩa cơm rất nhiều món và hợp khẩu vị. Nếu mua suất ăn tương tự ở tiệm khác thì phải mất 20.000 đồng". Theo anh Phong, không chỉ được mua phần ăn với giá rẻ, khách còn có thể ăn cơm thêm thoải mái.
Ông Nguyễn Văn Sáng cho biết làm nghề phụ hồ, mỗi tháng chỉ kiếm được 4 triệu đồng. Tiền công ít ỏi trong khi phải nuôi 2 con ăn học, mua thuốc điều trị bệnh viêm gan B, nên ông luôn đối diện cảnh túng đói.
Thấy nhiều người bán vé số, lao động nghèo không có chỗ nghỉ trưa, đầu năm 2015, anh Giáp san phẳng khu vườn để dựng chòi lá. Trong chòi có 15 chiếc võng dù, trang bị quạt và nước uống để mọi người nghỉ chân.
"Nếu ăn cơm ngoài, mỗi tháng tôi phải bỏ ra ít nhất 1,5 triệu đồng. Ăn cơm ngày 3 bữa tại quán chay 3.000 đồng, mỗi tháng tôi chỉ hết 270.000 đồng, nhờ vậy mà tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ", người phụ hồ nói.
Với mục đích sẻ chia, giúp đỡ người nghèo nên chủ quán thường miễn phí đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt. Chị Phí Thị Trang tâm sự: "Chúng tôi quan tâm đến những người già neo đơn, trẻ em lang thang hoặc ăn xin… Họ được miễn phí tiền ăn, tôi luôn nói với họ đừng ngại, cứ đến mỗi bữa".
Chị Trang kể, trong thôn có bà cụ 70 tuổi, sống độc thân, rất nghèo. Biết cụ không có tiền mua cơm nên chị chuẩn bị sẵn đồ ăn, nhờ người mang đến tận nhà. "Có hôm, cụ hái rau cải trong vườn mang sang ủng hộ. Tôi không nhận, nhưng cụ nước mắt lưng tròng nên phải lấy để cụ an lòng", chủ quán cơm 3.000 đồng kể.
Cùng với việc bán cơm 3.000 đồng, chủ quán cơm còn tổ chức các đợt phát cơm từ thiện tại Bệnh viện phổi Đồng Nai. Theo anh Giáp, 4 tháng một lần, quán làm 300 suất cơm phát miễn phí cho bệnh nhân.
"Người bệnh điều trị tại đây chịu nhiều thiệt thòi. Họ đa phần bị bệnh truyền nhiễm nên nhiều người không dám tới làm từ thiện. Tôi không muốn họ chịu khổ nên làm cơm phát miễn phí", anh Giáp chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sáng cho biết, ăn cơm chay 3.000 đồng giúp tiết kiệm được khoản tiền lớn. Ảnh: Ngọc An |
Số tiền thu về từ những suất cơm chỉ đủ để quán bù vào tiền mua gạo. Chủ quán cho biết: "Khó khăn đến mấy, quán cơm 3.000 đồng cũng phải duy trì. Hiện tại, chúng tôi mở thêm quán bán nước giải khát, cà phê để tăng thu nhập. Một phần lợi nhuận từ đây bù vào quán cơm".
Chia sẻ về tương lai, anh Giáp cho biết sẽ cố gắng mở rộng quán để phục vụ nhiều suất ăn hơn nữa. Có điều kiện, anh sẽ mở thêm nhiều quán để giúp đỡ người nghèo.
Bà Nguyễn Thị Bích, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp 3 (xã An Phước, huyện Long Thành) cho biết: "Gia cảnh gia đình anh Trương Văn Giáp không mấy khá giả. Tuy nhiên, vì muốn giúp đỡ người nghèo nên vợ chồng mở quán cơm chay thiện nguyện. Quán cơm 3.000 đồng nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân và chính quyền. Đó là việc làm thiết thực, rất đáng biểu dương".