1. Hơn 1 năm nay, đại đức Thích Trí Bửu, trụ trì chùa Pháp Giới, mở quán cơm chay Hoa Từ Bi trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TP HCM thu hút đông đảo người làm thuê, chạy xe ôm, bán vé số, sinh viên... Quán phục vụ mỗi suất cơm chay giá 5.000 đồng, chia sẻ khó khăn với người lao động và sinh viên nghèo.
Khách gọi cơm ít, vừa hoặc nhiều đều được như ý. Dĩa cơm trắng với mấy món chay ngon lành kèm chén canh nóng hổi làm ấm lòng đông đảo người nghèo sau một buổi vất vả kiếm sống. Sinh viên gốc tỉnh hay “viêm màng túi” cũng được no bụng sau buổi học.
Trong quán, đội ngũ thanh niên tình nguyện mang tạp-dề trắng lăng xăng phục vụ khách. Các bạn từng là thành phần xấu nhưng đã thay đổi lối sống dưới mái chùa Pháp Giới.
Quán cơm chay Huệ Trường bán với giá 2.000 đồng, không tính toán lời lỗ. |
Mỗi ngày, quán phục vụ 500 suất cơm chay, ngày cao điểm hơn 1.000 suất. Việc bếp núc của quán do những nữ phật tử làm công quả, không nhận thù lao đảm trách. Chủ nhật, quán nghỉ bán để phát cơm chay cho bệnh nhân nghèo.
Hoa Từ Bi chấp nhận lỗ nặng giữa thời buổi giá cả tăng cao nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo, sinh viên xa nhà. Phật tử và mạnh thường quân đóng góp tài chính cho quán duy trì hoạt động.
Đầu năm nay, thêm quán cơm chay Hoa Từ Bi 2 khai trương trên đường Lê Tuấn Mậu, quận 6, TP HCM. Đại đức Thích Trí Bửu chọn mở quán tại một phường nghèo nhằm nhắm tới đông đảo người khó khăn ở vùng ven TP HCM. Quán cũng phục vụ mỗi suất cơm chay giá 5.000 đồng. Hơn 5 tháng nay, rất đông người lao động nghèo đã tìm đến Hoa Từ Bi 2.
Cũng ở quận 6, doanh nhân “hạng xoàng” Phan Trúc Ly theo đạo Phật đã bỏ ra 200 triệu đồng mở quán cơm chay Huệ Trường tại cư xá Phú Lâm D, gần siêu thị Metro Bình Phú. Quán khang trang, sạch đẹp. Bà Ly huy động người thân trong gia đình phục vụ quán không hưởng tiền lương. Bà còn vận động bạn bè đến phụ giúp. Họ vui vẻ đảm trách việc bếp núc dù không có thù lao.
Quán Huệ Trường phục vụ buổi trưa từ thứ hai tới thứ sáu mỗi tuần, thu hút nhiều người lao động, sinh viên nghèo, người già, thất nghiệp, ăn xin, trẻ em... Khách mua phiếu giá 2.000 đồng xếp hàng nhận khay inox đựng cơm và các món kho, xào, canh rồi mang lại bàn ngồi ăn đông vui. Quán đặt thêm những thau cơm trắng giúp khách tùy thích ăn no bụng. Khách còn được quán phục vụ trà đá, nước tinh khiết miễn phí.
Người nghèo được phục vụ giải khát miễn phí. |
Bà Ly cho biết với giá tượng trưng 2.000 đồng, quán cơm chay Huệ Trường chỉ nhằm giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên không tính lời lỗ. Sau 6 tháng phục vụ, quán còn khả năng tài chính nên tiếp tục hoạt động. Bà Ly chủ trương không kêu gọi mạnh thường quân đóng góp tài chính, chỉ tiếp nhận từ những tấm lòng tự nguyện làm việc phước thiện.
2. Ngày ngày, khu phụ cận chợ Bình Tây, quận 6 có hàng vạn người vãng lai, trong đó đông đảo là người bán vé số, hàng rong, thu mua ve chai, chạy xe ôm, đạp xích lô, lượm rác...
Người nghèo lê la trên đường phố kiếm sống có nhu cầu giải khát trên bước đường mướt mồ hôi mưu sinh. Một số người cư ngụ, kinh doanh tại khu phụ cận chợ Bình Tây đã đặt bình nước tinh khiết, trà đá trên vỉa hè cho người nghèo giải khát miễn phí.
Sáng sớm, nhân viên bảo vệ Chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) khệ nệ bưng bình nước tinh khiết ra đặt trên vỉa hè góc đường Tháp Mười - Trần Bình bên hông chợ Bình Tây cho người nghèo uống miễn phí suốt ngày.
Trước khi mở cửa tiệm mỗi ngày, chủ shop thời trang Mỹ Phụng trên đường Tháp Mười đối diện chênh chếch chợ Bình Tây cũng đặt bình trà đá ngoài vỉa hè cho người nghèo giải khát. Cách đó một đỗi, chủ tiệm hoa giả đối diện chợ Bình Tây cũng đặt bình trà đá miễn phí trên hè phố đông đúc người qua lại.
Trên vỉa hè góc đường Chu Văn An - Phan Văn Khỏe, sáng sớm nào cũng có một người giấu tên đến đặt 2 bình trà đá phục vụ miễn phí. Ông chủ vựa hành tỏi Năm Hùng trên đường Bãi Sậy phía sau chợ Bình Tây còn sắm bình inox to rồi cắt đặt người nhà mỗi sáng nấu nước sôi pha trà, mua nửa cây nước đá pha bình trà đá to đặt ngoài vỉa hè cho người nghèo uống.
Cũng đều đặn đặt bình trà đá trước nhà cho người nghèo giải khát miễn phí là thói quen thường ngày của ông chủ tiệm vịt quay, heo quay Nhựt Ký trên đường Hậu Giang, quận 5, TP HCM. Xa hơn, chủ một căn nhà ở đường Ngô Nhân Tịnh đặt bình inox to đựng trà đá miễn phí trước cửa.
Một người giấu tên sáng sớm nào cũng chở bình trà đá đến đặt trên vỉa hè góc đường Trần Chánh Chiếu - Phú Hữu. Người này còn đặt bình trà đá bên cổng bến xe buýt Chợ Lớn cho anh em chạy xe ôm uống suốt ngày.
Hầu hết quán cà phê từ chối phục vụ trà đá rẻ tiền bởi lời lãi chẳng là bao. Người nghèo kiếm sống trên đường phố tiết kiệm chi tiêu cá nhân không dám vào quán gọi cà phê đá. Do vậy, những bình nước tinh khiết, trà đá miễn phí do những người làm việc phước thiện đặt trên vỉa hè giúp người nghèo đỡ khổ.
Quán cơm Thiện Duyên không tốn chi phí nhân công, được miễn thuế nên huề vốn. |
Thật cảm động khi trông thấy bác xích-lô vừa đạp xong cuốc xe mệt nhọc dừng bên vỉa hè đường Hậu Giang uống liền mấy cốc trà đá miễn phí cho hồi sức. Ông còn hứng đầy một chai trà đá mang theo...
3. Chiều nào sau giờ làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ - tiến sĩ tâm thần học Ngô Tích Linh, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, cũng vội chạy xe máy về nhà cha mẹ trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 bắt đầu làm việc thiện ngoài giờ.
Đây là phòng khám không bảng hiệu của bác sĩ Linh. Cha ông, một nhân viên y tế hưu trí đi đứng lụm cụm, nhắc ghế ra sân cho bệnh nhân ngồi chờ. Cụ nhắc họ đi đứng cẩn thận kẻo va đầu vào nhánh mận to trong sân.
Bác sĩ Linh làm việc ngoài giờ không mặc áo blouse trắng. Ông ngồi salon tiếp chuyện như một người bạn tin cậy của bệnh nhân tâm thần. Ông hỏi han cặn kẽ bệnh nhân mới để chẩn bệnh chính xác, ra toa thuốc điều trị. Ông ân cần theo dõi tình trạng sức khỏe tâm thần của bệnh nhân cũ rồi ra toa thuốc điều trị tiếp…
Không những trị bệnh hoàn toàn miễn phí, bác sĩ Linh còn hướng dẫn bệnh nhân nơi dễ mua thuốc đặc trị. Với người mắc bệnh tâm thần lâu ngày không làm việc được, kiệt quệ tài chính, ông viết thư giới thiệu đến chuyên khoa tâm thần quận - huyện để tiếp tục điều trị miễn phí theo chính sách phúc lợi của nhà nước.
Làm việc tới khi xong bệnh nhân cuối cùng, khoảng 21 giờ, bác sĩ Linh mới nghỉ ngơi dùng cơm. Bận đi xa hay dự hội nghị khoa học dài ngày, ông luôn nhờ đồng nghiệp đến nhà thay mình khám trị bệnh tâm thần miễn phí.
Ngày nay, bác sĩ chuyên khoa tâm thần làm việc ngoài giờ dễ hốt bạc nhưng bác sĩ Ngô Tích Linh cho rằng bệnh nhân tâm thần là nạn nhân xã hội đáng thương, cần được mọi người thương yêu, chia sẻ.
Nhiều năm nay, ông đã vực dậy vô số bệnh nhân trầm cảm, rối loạn tâm thần, phân liệt cảm xúc, động kinh, tâm thần phân liệt, đưa họ ra khỏi bóng tối tâm thần để trở lại hòa nhập xã hội.
Không cần vận động đóng góp.
Sau Tết Quý Tỵ 2013, Hội Từ thiện An Hòa mở quán cơm chay Thiện Duyên trên đường Phạm Văn Chí, quận 6. Quán khai trương nhằm ngày 14 âm lịch để phục vụ thực khách có nhu cầu chay lạt nhân dịp rằm tháng giêng. Thiện Duyên ngày càng đông khách. Quán trang trí hình ảnh sự tích Phật Thích Ca bên cạnh những poster ghi những lời hay ý đẹp về nghệ thuật sống an lạc.
Đội ngũ tình nguyện viên phục vụ trong quán Thiện Duyên đều là sinh viên. Những người phát nguyện trường chay thường xuyên đến quán này. Trưa và chiều, nhiều người nghèo dừng bước lê la kiếm sống vào quán ăn cơm chay, tiết kiệm chi tiêu cá nhân giành tiền nuôi gia đình. Một số người ăn chay còn để hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính.
Nữ cư sĩ phụ trách Thiện Duyên cho biết những người đi tu cùng nhau lập ra quán nhằm giúp đỡ người nghèo. Việc bếp núc của quán do đội ngũ làm công quả đảm trách, không nhận thù lao.
Quán không tốn chi phí nhân công, chỉ gánh chịu tiền thuê nhà, điện nước, gas, gạo, nguyên liệu làm đồ chay... Chi cục Thuế quận 6 miễn thuế hoàn toàn cho quán. Do vậy, quán phục vụ cơm chay với giá 8.000 đồng được huề vốn, vẫn duy trì hoạt động dù không cần vận động ai đóng góp tài chính.