Một đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức vào lúc này đã trở thành điều mà chính phủ cả hai nước từng phủ nhận trước đây: Quân cờ quan trọng của Moscow giữa lúc khủng hoảng leo thang ở Ukraine.
Các đoạn ống để lắp đặt Nord Stream 2 khi còn được tập kết ở Sassnitz, Đức vào năm 2016. Ảnh: AP. |
Chiến thắng của Tổng thống Putin
Khi dự án 11 tỷ USD này được công bố vào năm 2015, nó đã phải nhận sự phản đối kịch liệt từ Mỹ, Anh, Ukraine và một số nước EU khác.
Lý do là một đường ống trên biển giúp Nga không còn bị phụ thuộc vào các đường ống trên đất liền đi qua Đông Âu (trong đó có Ukraine) để cung cấp khí đốt cho Đức, qua đó giúp Moscow nâng tầm ảnh hưởng đối với an ninh năng lượng của EU.
Đường ống dài 1.222 km này chính thức hoàn thành vào tháng 9/2021, và đang trong giai đoạn chờ chứng nhận cuối cùng từ chính phủ Đức. Mặc dù chưa đi vào hoạt động nhưng nó đã tạo ra một hố sâu ngăn cách giữa các đồng minh truyền thống của phương Tây, vào thời điểm căng thẳng leo thang mạnh mẽ giữa Nga và Ukraine.
Theo các nhà phân tích, chỉ riêng việc gây chia rẽ EU và NATO bằng Nord Stream 2 đã là một chiến thắng quan trọng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bà Kristine Berzina, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Marshall Đức - một viện chính sách công phi đảng phái với mục đích thúc đẩy quan hệ và hiểu biết giữa Bắc Mỹ và châu Âu, cho rằng Moscow được hưởng lợi từ những tranh cãi xung quanh dự án tỷ đô này.
"Mọi thứ liên quan đến Nord Stream 2 đều đã và đang là một chiến thắng cho Nga", bà Berzina nói với CNN.
"Nếu cho rằng mục đích của Nga là gây chia rẽ, và nếu cho là họ muốn phá vỡ sự đoàn kết của EU và NATO, thì đường ống khí đốt này là một điều tuyệt diệu", bà Berzina nói thêm.
Trong nhiều năm, cả Nga và Đức đều khẳng định rằng Nord Stream 2 chỉ là một dự án kinh tế và không liên quan gì đến chính trị.
Nhưng ở Đông Âu và nhiều nước khác trong EU, nơi mà khí đốt từ Nga là nguồn cung chủ yếu cho việc sưởi ấm và tạo ra điện tiêu thụ, thì hiếm có chủ đề nào ít liên quan đến chính trị hơn là an ninh năng lượng.
Về khía cạnh kinh tế, Nord Stream 2 đặc biệt quan trọng với Moscow vì khí đốt xuất khẩu chiếm tới 40% nguồn thu của chính phủ Nga. Khi đi vào hoạt động, đường ống này sẽ vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ Nga tới châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và CEO của Tập đoàn Gazprom, ông Alexei Miller trong một sự kiện hồi năm 2017. Ảnh: AP. |
Với giá bán trung bình 280 USD cho 1.000 mét khối khí đốt, Nga sẽ thu về khoảng 15 tỷ USD mỗi năm từ đường ống này.
"Phép thử" của Nga cho EU
Vào lúc này, khi giá khí đốt tự nhiên trên thị trường đã tăng kỷ lục, nhiều người quan ngại rằng việc căng thẳng gia tăng giữa Nga và EU sẽ khiến cư dân nhiều nước châu Âu phải hứng chịu hậu quả.
Mặc dù Moscow phủ nhận việc sử dụng năng lượng để gây sức ép với EU, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ trích Nga về việc cắt giảm nguồn cung khí đốt, góp phần khiến mặt hàng thiết yếu này tăng giá trong thời gian qua.
Mỹ và EU cũng đã lên kế hoạch để ứng phó trong trường hợp Nga sử dụng khí đốt như một công cụ để trả đũa nếu bị trừng phạt kinh tế. Chính quyền Biden đã tổ chức các cuộc thảo luận với nhiều nước châu Âu, Trung Đông và châu Á để chuẩn bị tăng nguồn cung khí đốt cho EU, đề phòng kịch bản giá khí đốt tăng phi mã khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine.
Với tư cách là khách hàng lớn nhất của khí đốt từ Nga, Đức tỏ ra khá lưỡng lự trong việc dùng Nord Stream 2 để gây sức ép với Moscow. Mới chỉ hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã cảnh báo về việc kéo đường ống khí đốt này vào xung đột Ukraine.
Mỹ cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nord Stream 2 hoặc các cá nhân liên quan có thể gây phản tác dụng. Thay vào đó, chính quyền Biden muốn sử dụng dự án này như một quân bài để phương Tây có thể mặc cả với Nga trên bàn đàm phán.
Ông Bob Menendez, chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Nga muốn Nord Stream 2 đi vào hoạt động và nếu dự án này bị cấm vận từ trước khi có chiến sự, Tổng thống Putin thậm chí sẽ có ít hơn một lý do để không tấn công Ukraine.
Nếu không có Nord Stream 2, Nga sẽ cần Ukraine vì một lượng lớn khí đốt nước này bán cho EU phải đi qua lãnh thổ Ukraine. Nhưng từ góc nhìn của Kyiv, việc đường ống này đi vào hoạt động sẽ khiến nước này dễ bị cô lập hơn.
"Phương Tây cần mọi quân bài để có thể ngăn cản Nga tấn công Ukraine", bà Berzina nhận định và nói thêm rằng việc không động đến Nord Stream 2 vào lúc này có nghĩa là nó có thể được sử dụng để làm đòn bẩy trong tương lai.
Máy bay F-16 của Ba Lan thực hiện nhiệm vụ trên không phận Lithuania vào tuần trước. Cả NATO và Nga đều đang gia tăng các hoạt động quân sự trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh Ukraine. Ảnh: AP. |
Ông Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC - một viện chính sách thuộc chính phủ Nga), cho rằng Moscow coi Nord Stream 2 là một bài kiểm tra đối với sự tự chủ chiến lược của EU trước Mỹ.
"Nếu dự án Nord Stream 2 thất bại, điều hoàn toàn có thể xảy ra, đó sẽ là một sự xác nhận cho niềm tin rằng châu Âu không phải là một đối tác đáng tin cậy, và bạn không thể làm ăn với EU vì họ không thể đồng thuận về bất cứ điều gì, và họ cũng không thể tự đưa ra bất cứ quyết định nào. Nghĩa là nếu bạn muốn điều gì đó, bạn nên đến thẳng Washington", ông Kortunov nói.