Trong một bình luận hiếm hoi về tương lai lâu dài của Hong Kong, ông Trương Hiểu Minh, Phó giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, đã liên hệ cách hành xử của người dân Hong Kong hiện tại sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trạng thái của đặc khu sau năm 2047.
"Tôi thấy khá nhiều người ở Hong Kong đang nhìn về số phận của "Một quốc gia, Hai chế độ" sau năm 2047", ông Trương nói trong một hội thảo trực tuyến về hiến pháp thu nhỏ của thành phố.
"Hong Kong sẽ thể hiện một hồ sơ như thế nào với người dân cả nước?", ông Trương đặt câu hỏi.
Theo ông Trương, một cam kết mạnh mẽ cho an ninh quốc gia sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thoả thuận "Một quốc gia, Hai chế độ".
Phó giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, ông Trương Hiểu Minh và Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: HKGov. |
Người biểu tình Hong Kong chỉ trích những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh để làm xói mòn mức độ tự trị của thành phố.
Trong khi đó, Bắc Kinh coi những cuộc biểu tình là mối đe doạ với chủ quyền và an ninh quốc gia.
Ông Trương cũng nói thêm rằng luật an ninh mới, với mục tiêu dập tắt mong muốn ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài, sẽ chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ ở Hong Kong và không ảnh hưởng đến các quyền tự do của đặc khu, hay vị thế của nó như trung tâm tài chính toàn cầu.
Ông Trương Hiểu Minh từng giữ chức giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau trước khi bị điều chuyển xuống chức phó giám đốc hồi tháng 2 năm nay.
Theo Reuters, người biểu tình ở Hong Kong đã tiếp tục xuống đường trong tuần này để phản đối dự luật an ninh mới của Bắc Kinh, sau thời gian tạm dừng các hoạt động bất tuân dân sự vì đại dịch Covid-19.
Thoả thuận ký kết năm 1997 giữa Anh và Trung Quốc xác nhận một hệ thống theo kiểu "một quốc gia, hai chế độ", theo đó Hong Kong được hưởng những quyền và sự tự do không có ở đại lục trong vòng ít nhất 50 năm, đến năm 2047. Nhưng nhiều người Hong Kong và nước ngoài cho rằng những quyền tự do đó, và vị thế trung tâm thương mại và tài chính châu Á của đặc khu, đang có nguy cơ bị Bắc Kinh đe doạ.