Alfred Keating, cựu đại tá Hải quân, tùy viên quân sự New Zealand tại Mỹ, đã bị buộc tội quay lén nhà vệ sinh của Đại sứ quán New Zealand tại Washington, D.C.
Ngày 8/4, phát biểu tại Tòa án quận Auckland, các công tố viên của vụ việc cho biết nhân viên đại sứ quán ở Washington đã tìm cách gài lén một máy quay nhỏ vào nhà vệ sinh chung. Tuy nhiên, ông Keating khẳng định mình vô tội.
Một số máy ảnh gián điệp có thể nhỏ như thẻ nhớ. Ảnh: News Corp Australia. |
Henry Steele, công tố viên của chính phủ Mỹ, cho biết một người đeo găng tay cao su màu xanh đã lắp đặt camera Camscura Micro Hidden trong ống sưởi của nhà vệ sinh vào ngày 27/7/2017 và các hình ảnh từ camera an ninh khiến họ tin rằng đó là Keating.
Tuy nhiên, nỗ lực quay lén đã không thành. Góc quay của camera không đúng vị trí nên chỉ ghi lại được chân người, theo Radio New Zealand.
Tổng cộng, giới chức trách đã thu giữ hơn 20 tệp tin gồm hình ảnh của 19 người sử dụng nhà vệ sinh và hơn 700 tệp tin bị xóa.
Chiếc máy quay đã bị rơi xuống sàn cùng ngày. Một người lái xe đã phát hiện nó và đặt sang một bên, The Washington Post trích dẫn tài liệu của toà án cho biết. Sau đó, một người khác thấy chiếc camera và trình báo cơ quan chức năng. Vào thời điểm đó, có khoảng 60 nhân viên làm việc tại đại sứ quán.
Các nhà điều tra tiết lộ có một lớp bụi dày phủ trên chiếc camera, cho thấy thiết bị đã có mặt ở đó một thời gian.
Thông qua dữ liệu phân tích máy tính của ông Keating, các công tố viên đã tìm thấy phần mềm cài đặt camera cùng ngày chiếc máy quay bị phát hiện. Quan chức quân đội cũng tìm kiếm một loạt thông tin liên quan đến việc cài đặt camera.
Ông Alfred Keat làmột cựu lính Hải quân và Tùy viên quốc phòng cao cấp. Ảnh: AP. |
Theo tòa án, ADN tìm thấy trên thẻ nhớ camera được cho là trùng khớp với ADN của ông Keating.
Ông Keating đã xuất hiện tại tòa án vào tháng 3/2018 để phủ nhận cáo trạng. Sau đó, ông từ chức khỏi Bộ Quốc phòng New Zealand - nơi đã làm việc trong hơn 4 thập kỷ, vì cho rằng vụ bê bối sẽ khiến gia đình ông gặp khó khăn. Cựu quan chức hải quân này đã không bị truy tố ở Washington khi đó vì có quyền miễn trừ ngoại giao.
Nếu bị kết án, ông Keating có thể ngồi tù tới một năm rưỡi. Ông từ chối bình luận về vụ việc khi phiên tòa xét xử đang diễn ra.