Mary Elizabeth Taylor, trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề lập pháp, đã đệ đơn từ chức hôm 18/6. Đơn từ chức của cô Taylor, một trong những quan chức gốc Phi cao cấp nhất, giống như bản cáo trạng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa lúc đất nước bất ổn, theo Washington Post.
"Những khoảnh khắc của sự biến động có thể thay đổi bạn, thay đổi quỹ đạo cuộc đời bạn và hun đúc tính cách của bạn. Những bình luận và hành động của Tổng thống liên quan đến bất công chủng tộc và người Mỹ da đen đã làm tổn thương sâu sắc những giá trị và niềm tin cốt lõi của tôi", cô Taylor viết trong đơn từ chức gửi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo.
"Tôi phải làm theo lương tâm và từ chức Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề lập pháp".
Cô Taylor phát biểu khi nhậm chức trợ lý ngoại trưởng năm 2018, đứng sau là Thẩm phán Tòa án Tối cao Neil Gorsuch cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Cô Taylor, 30 tuổi, đã được phê chuẩn cho vị trí vào tháng 10/2018 và là trợ lý ngoại trưởng trẻ nhất về các vấn đề lập pháp trong lịch sử, cũng như là phụ nữ da đen đầu tiên đảm nhận vị trí này.
Cô là nhân vật hậu trường quan trọng trong chính quyền. Với chuyên môn về lập pháp và quan hệ thân thiết với các thượng nghị sĩ do từng làm việc cho Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell, cô Taylor từng giữ chức phó giám đốc bổ nhiệm của Nhà Trắng trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cô Taylor dường như là quan chức cấp cao đầu tiên từ chức để công khai phản đối các hành động của ông Trump. Một thành viên của Ủy ban Khoa học Quốc phòng, James N. Miller, đã đệ đơn từ chức lên Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngay sau bức ảnh gây tranh cãi của ông Trump tại Quảng trường Lafayette. Song ông là cựu quan chức chính quyền Obama, làm việc tại ủy ban cố vấn cho Lầu Năm Góc về các vấn đề khoa học từ năm 2014.
Ngược lại, cô Taylor được xem là người trung thành của chính quyền và là thành viên trọn đời của đảng Cộng hòa. Với vị trí trợ lý ngoại trưởng, cô Taylor là người phụ trách liên lạc giữa ông Pompeo với quốc hội.
Việc George Floyd, người đàn ông da đen chết dưới tay cảnh sát thành phố Minneapolis vào tháng trước, đã dẫn đến làn sóng biểu tình rộng khắp để phản đối di sản phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát tại Mỹ.
Ông Trump đã chật vật đóng vai trò hòa giải và nhận về nhiều chỉ trích vì những lời nói và hành động của mình, bao gồm việc ủng hộ sử dụng vũ lực để giải tán đám đông, cũng như phát biểu và chụp ảnh với Kinh thánh bên ngoài nhà thờ lịch sử St. John.
Ngày 3/6, cô Taylor đã gửi thư cho một nhóm bao gồm khoảng 60 nhân viên Bộ Ngoại giao, thừa nhận rằng sau cái chết của anh Floyd, tim cô "tan vỡ, theo cách mà tôi đã phải chữa lành nó vô số lần".
"Cái chết kinh khủng của George Floyd và những cái chết gần đây của người Mỹ da đen đã làm rung chuyển đất nước chúng ta. Mỗi lần chúng ta chứng kiến những vụ giết người tàn khốc này, chúng ta được nhắc nhở rằng vết thương của đất nước chúng ta vẫn còn sâu, vẫn chưa được điều trị", cô viết.