“Chúng tôi không thấy nhiều dấu hiệu Nga chịu từ bỏ các mục tiêu muốn đạt được ở Ukraine”, ông Chollet - người đang công tác ở vị trí tương đương hàm thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ - nói với Zing vào ngày 25/3 (giờ Việt Nam). “Tuy nhiên, Nga và Ukraine vẫn đang đối thoại theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi và cộng đồng quốc tế đang làm mọi thứ có thể để hỗ trợ cho họ”.
Ông Chollet trả lời phỏng vấn Zing trong bối cảnh một tháng trôi qua kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2. Nếu không sớm có thỏa thuận ngừng bắn, giao tranh được dự đoán sẽ rơi vào tình thế giằng co kéo dài, với nhiều hệ lụy cho người dân Ukraine.
Nếu tình trạng giằng co kéo dài, giao tranh sẽ để lại nhiều hệ lụy cho người dân Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Hôm 25/3, ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán Nga, cho rằng hai bên chỉ đang dần hiểu nhau hơn về các vấn đề thứ yếu, vẫn giậm chân tại chỗ về các câu hỏi trọng yếu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 25/3 cho rằng đàm phán với Nga “rất khó khăn” và khẳng định sẽ không nhượng bộ trong các yêu cầu của mình, với ưu tiên trước hết là ngừng bắn, đảm bảo an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ.
“Mỹ đang làm mọi thứ để hỗ trợ tiến trình đàm phán”
Để hỗ trợ cho quá trình đàm phán lúc này, Cố vấn Chollet cho biết Mỹ cùng các nước châu Âu và nhiều nước khác đang đối thoại với cả Nga và Ukraine.
“Chúng tôi chủ yếu liên lạc với phía Ukraine. Mỹ đang hỏi Ukraine về những gì mà chúng tôi có thể hỗ trợ họ, đưa ra cho họ những lời khuyên tốt nhất”, ông Chollet nói. “Nhưng cuối cùng thì quyết định vẫn nằm ở phía Ukraine”.
“Mỹ hy vọng sẽ có kết quả ngoại giao”, ông Chollet khẳng định. “Chúng tôi đã hy vọng sẽ có một kết quả như vậy từ nhiều tháng trước khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine, trong lúc chúng tôi quan sát Nga dồn quân gần biên giới”.
Ông Chollet có buổi trao đổi trực tuyến với Zing vào sáng 25/3. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi đã cố tương tác để trao đổi ngoại giao với Nga, cũng như làm việc cùng Ukraine và các đối tác khác khắp thế giới để cố gắng xem liệu có thể có giải pháp hòa bình hay không cho các vấn đề của Nga, cũng như cho những điều mà Nga nói là muốn thấy từ Ukraine”, ông Chollet nói.
Vị cố vấn cũng tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Joe Biden rằng Washington sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ Kyiv, thể hiện qua các khoản viện trợ để giúp quân đội Ukraine có thêm nhiều năng lực quân sự, chủ yếu là năng lực chống thiết giáp và hệ thống phòng không.
Chúng tôi vẫn luôn hy vọng sẽ có một kết quả ngoại giao
Derek Chollet, Cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ
“Tuần trước, Mỹ công bố khoản viện trợ quân sự khác trị giá 1 tỷ USD. Đây là con số cao hơn cả lần viện trợ trước đó mà chúng tôi đã phân bổ cho Ukraine”, ông Chollet nói.
Song song với việc hỗ trợ Ukraine, nước Mỹ vẫn hy vọng tình hình không leo thang và vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
“Nhưng chúng tôi không muốn cuộc giao tranh này lan rộng hơn nữa vì đây vốn đã là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến 2”, ông Chollet nói. “Đó là lý do Mỹ đang gửi đi thông điệp chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của các nước thành viên NATO, và cũng sẽ hỗ trợ quân sự hết mức cho Ukraine để nước này có thể tự vệ”.
Mỹ vẫn kiên định với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Những ngày vừa qua, Mỹ đã có nhiều hoạt động để cùng đồng minh phương Tây gây áp lực buộc Nga ngưng hành động quân sự tại Ukraine, bao gồm các lệnh trừng phạt kinh tế.
Đặc biệt, hôm 24/3 (giờ Brussels), Tổng thống Biden đã cùng loạt lãnh đạo các quốc gia khác liên tiếp tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh trong một ngày tại Brussels để thảo luận về cách ứng phó với động thái của Nga, bao gồm cuộc họp của NATO, G7 và Hội đồng châu Âu.
Tổng thống Biden dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussel hôm 24/3. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Chollet, hội nghị thượng đỉnh NATO vừa được tổ chức rất quan trọng với mục tiêu thể hiện sự đoàn kết của khối này trước hành động quyết liệt của Nga và để đảm bảo toàn khối nhất trí ủng hộ Ukraine.
Nhưng Mỹ cũng sẽ không vì khủng hoảng Ukraine mà bỏ quên các cam kết tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực liên tục được chính quyền Biden nhắc đến như là một trọng tâm hợp tác.
“Mỹ vẫn giữ nguyên ý định gắn bó mật thiết với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Chollet nói. “Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không chỉ đang đối thoại với các đối tác ở châu Âu mà còn với các đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
“Bản thân tôi sẽ có chuyến đi tới khu vực này trong thời gian sớm nhất có thể, ngay sau khi Ngoại trưởng Blinken công du tới đây vài tuần trước đó”, ông tiết lộ.
Ông Chollet nói việc nhiều nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phản ứng quyết định của Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine là rất “quan trọng bởi giới hạn của cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ ở Ukraine hay trong lòng châu Âu”.
“Đây thực sự là cuộc khủng hoảng toàn cầu”, ông Chollet nhận định. “Mọi quốc gia đều sẽ cảm nhận được những tác động của cuộc khủng hoảng hiện tại bằng cách này hay cách khác. Tôi nghĩ điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần lên tiếng trong vấn đề này”.