"Quảng Trị không chỉ là hình mẫu cho Việt Nam và Đông Nam Á, mà còn là hình mẫu cho cả thế giới (trong công tác rà phá bom mìn chưa nổ)", ông Jerry Guilbert, người điều hành chương trình Rà phá Vũ khí Thông thường (CWD) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong cuộc họp báo qua điện thoại ngày 4/4.
Ông Guilbert cho biết, trong năm 2019, Mỹ sẽ tăng khoản hỗ trợ Việt Nam trong việc rà phá vật liệu chưa nổ (unexploded ordnance) lên 15 triệu USD từ 12,5 triệu USD trong năm 2018.
Các chuyên viên trong bộ đồ bảo hộ đang rà phá bom mìn ở Đà Nẵng. Ảnh: AFP. |
Theo báo cáo, năm 2017, có 14 người chết ở Việt Nam do bom mìn còn sót lại từ chiến tranh, so với chín người vào năm 2016.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Số thương vong đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhờ các nỗ lực rà phá cũng như giáo dục nhận thức của người dân, đặc biệt là để người dân biết cần liên hệ với cơ quan chức năng khi tìm thấy bom mìn, thay vì tự mình xử lý, theo ông Guilbert.
Bom mìn chưa nổ ở tỉnh Quảng Bình năm 2007. Ảnh: Reuters. |
Chương trình CWD đang đặt mục tiêu “rà phá toàn bộ vật liệu chưa nổ ở Quảng Trị”, tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất, vào năm 2025, và cho biết “đang theo đúng tiến độ”. Ông Guilbert đề cao việc Quảng Trị đã “áp dụng công nghệ thăm dò tiên tiến, hệ thống quản lý dữ liệu hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các cơ quan rà phá bom mìn”.
Theo thông tin công bố tại một sự kiện ngày 2/4 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh được ước tính là khoảng 800.000 tấn. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước.
"Phải mất cả trăm năm và hàng chục tỷ USD để làm sạch diện tích đất còn chứa bom mìn cũng như khắc phục hậu quả do bom mìn để lại", ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết ngày 2/4.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về nhận định nói trên, ông Jerry Guilbert cho biết: “Đây là một nỗ lực lâu dài, và sẽ rất khó để làm sạch 100% mọi vật liệu chưa nổ. Nhưng trong tương lai gần, chúng ta vẫn có thể có một xã hội thịnh vượng, an toàn, không còn sự sợ hãi trong cuộc sống thường ngày”.
Ông giải thích thêm Việt Nam đang chú trọng vào các tỉnh nhiều bom mìn nhất, cũng như các loại vật liệu chưa nổ nguy hiểm nhất, bao gồm các dạng vũ khí đạn chùm, vốn phóng ra các vật liệu nổ nhỏ hơn để gây sát thương cao.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy 30% bom chùm đã không phát nổ khi chạm đất. Chúng rất nguy hiểm vì không ổn định, đồng thời lại gây tò mò với trẻ con”, ông Guilbert nói.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush năm 2008 đã tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt sử dụng bom chùm vào năm 2019, nhưng năm 2017, Lầu Năm góc đã đảo ngược chính sách này và tuyên bố bom chùm là vũ khí hợp lệ. Ảnh: AP. |
“Mục tiêu của chúng tôi ở Quảng Trị không hẳn là loại bỏ hết từng mảnh vật liệu nổ, mà là rà phá hết bom mìn nguy hiểm nhất”, ông giải thích thêm về mục tiêu 2025 cho tỉnh này.
Ông Guilbert cũng đánh giá cao nỗ lực đầu tư của Việt Nam vào việc khắc phục bom mìn chưa nổ. “Trong số hơn 100 nước chúng tôi đã từng hỗ trợ, Việt Nam đứng đầu trong việc dồn nguồn lực vào công tác này. Lượng bom mìn được rà phá nhiều nhất là công sức của các nhóm rà phá do chính phủ Việt Nam tài trợ kinh phí”, ông nói.