Cuốn sách nằm trong bộ sách tranh về ẩm thực Việt Nam dành cho giới trẻ. Bộ sách là công trình của hoạ sĩ trẻ Đặng Hồng Quân, người rất yêu thích việc thể hiện các sản phẩm truyền thống dưới hình thức trẻ trung mới mẻ và vui tươi. Sách dự kiến được NXB Trẻ phát hành vào đầu năm 2017.
Sách Lê la quà vặt giới thiệu ẩm thực Hà Nội. |
Tập đầu là Lê la quà vặt, tập trung viết và vẽ về các món ăn Hà Nội. Trong đó, có những trang giới thiệu món bánh trôi tàu như thức quà làm “ấm lòng đêm Hà Nội”. Ở hai trang này, tác giả Đặng Hồng Quân vẽ và viết về hương vị món bánh trôi, một số địa chỉ để ăn thức quà này.
Tác giả dành một phần trong bố cục trang sách nhắc tới NSƯT Phạm Bằng. Trong đó, hai nhân vật được vẽ với lời thoại: “Trước đây Hà Nội có quán của bác Phạm Bằng là ngon nhất, tuy nhiên bây giờ bác đã nghỉ không bán nữa”. Ở góc tranh, biển dẫn đường ghi “Phố Hàng Giầy” gợi tới quán hàng của Phạm Bằng. Còn nghệ sĩ thì được vẽ với gương mặt và cái đầu hói quen thuộc.
Quán bánh trôi của Phạm Bằng được mô tả trong sách. |
Sở dĩ bánh trôi của Phạm Bằng đi vào sách ẩm thực bởi địa chỉ 30 Hàng Giầy của ông đã gắn bó với nhiều người Hà Nội thế hệ 8X. Quán của cố nghệ sĩ bán ba món: bánh bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù, thường bán vào mùa rét, từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau.
Thực khách tới quán tất nhiên vì món ăn ngon. Bên cạnh đó còn được gặp bác chủ quán trên màn ảnh toàn đóng vai cường hào ác bá phản diện, mà ngoài đời lại vui tính dễ gần.
Họa sĩ Đặng Hồng Quân - tác giả sách Lê la quà vặt. |
Theo nghệ sĩ hài Công Vượng (Vượng Râu), sở dĩ Phạm Bằng duy trì quán bánh trôi tàu, bởi đó là nghề gia truyền. Cũng bởi là nghề gia truyền nên quán bánh của ông ngon nổi tiếng, đông khách. Các nghệ sĩ thỉnh thoảng cũng tới địa chỉ 30 Hàng Giầy vừa thưởng thức món ăn, vừa nói dăm ba câu chuyện với Phạm Bằng.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931. Ông được khán giả biết đến qua chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV và nhiều vai diễn truyền hình ấn tượng.
Ông là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim, diễn hài.
Ông từng đoạt hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương.
Với điện ảnh, ông ghi dấu trong phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ.
Ngoài nghề diễn, Phạm Bằng còn mở quán bán bánh trôi tàu ở phố Hàng Giầy, Hà Nội. Tuy nhiên, khi bị bệnh, ông đã nghỉ bán quán.