Quần áo cho người béo phì đắt hàng
Đáp ứng nhu cầu cho một nhóm khách hàng có thân hình ngoại cỡ, nhiều shop online, cửa hàng bán đồ bigsize, freesize ra đời.
Cao 1m80, nặng tới 85 kg, anh Hoàng ở Long Biên, Hà Nội cho biết thường rất khó khăn để mua được những bộ đồ vừa vặn ưng ý. Lựa chọn lâu nay của anh vẫn là may đo, dù giá cho một sản phẩm như vậy đối với đắt gấp 3-4 lần, chưa kể những người có phom dáng quá khổ như anh.
Số lượng người béo phì ở Việt Nam tăng cao khiến các cửa hàng bán đồ bigsize đắt hàng. |
Có chung nỗi niềm với anh Hoàng, chị Phượng ở Thanh Trì, Hà Nội, vừa sinh con 3 tháng cũng gặp khó khi tìm mua quần áo phù hợp với vóc người đã mập lên nhiều sau 2 lần sinh nở. "Trước đây mình chỉ 55 kg, cao 1m64, nhưng nay cân nặng đã vượt 70kg. Hiện các cửa hàng thời trang thường chỉ bán cỡ 3XL là cao nhất, trong khi nhiều người phải mặc tới cỡ 4XL, thậm chí lớn hơn nhưng không mua được".
Theo điều tra của Viện dinh dường Quốc gia, trong khoảng 3 năm, từ 2007-2010, số người thừa cân béo phì tại Việt Nam đã tăng khoảng 10%, hiện ở mức 26%. Nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi từ 25-74 thì có tới 26 người bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này ở các thành phố lớn là trên 40%, trong khi ở nông thôn là 25%. |
Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tại Hà Nội đã có không ít cửa hàng bán đồ bigsize trên các phố Chùa Bộc, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Lương Bằng, khu vực quận Hoàn Kiếm... và cả các cửa hàng online. Tuy nhiên, theo khảo sát, giá của các mặt hàng này thường khá đắt, dao động chủ yếu từ 500.000 đồng tới hàng triệu đồng.
Chủ một shop online cho biết, giá cả của các loại quần áo này đắt hơn đồ dành cho người thường, một phần vì lượng vải tốn kém hơn, phần khác vì không may công nghiệp được. "Với người ngoại cỡ, việc mặc đồ không chỉ là đủ rộng, mà yêu cầu cao hơn là che bớt khuyết điểm và trông nhỏ nhắn hơn. Vì mất khá nhiều công để lựa chọn hàng bán, mà khách lại không nhiều, nên giá bán thường cao hơn từ 1,5 đến 2 lần", người này cho hay.
Một lựa chọn khác cho những người có thân hình quá khổ là tìm mua quần áo may theo tiêu chuẩn số đo châu Âu. Theo chị Ánh, chủ một shop quần áo trên đường Hàng Bông, Hà Nội, ban đầu chị mở cửa hàng là để bán quần áo cho người nước ngoài với cỡ khá lớn. Tuy nhiên, sau 3 năm kinh doanh, khách hàng của chị lại hầu hết là người Việt.
"Nếu người Việt Nam bình thường chỉ mặc đồ size quốc tế từ 7-9, thì người nước ngoài có thể mặc đồ đến size 18-20. Hiện nay, rất nhiều người Việt có số đo quá khổ, bị béo phì hoặc vừa sinh con thường đến những cửa hàng thời trang dành cho người nước ngoài để sắm đồ. Tuy nhiên, sản phẩm dành cho người nước ngoài thường làm thủ công nên giá cũng rất cao, khiến không ít người lựa chọn đồ thun để tiết kiệm chi phí", chị Ánh chia sẻ.
Hiện nay, rất nhiều người lựa chọn mua đồ freesize tại các chợ quần áo Trung Quốc, chợ đêm sinh viên vì giá rẻ và khá thời trang. Theo Nguyên Anh, một chủ shop bán hàng tại chợ sinh viên Cầu Giấy cho biết, khi nhập hàng không chú trọng mua cỡ, loại, mà chỉ quan tâm đến màu sắc, kiểu dáng. "Nhiều loại áo có thể phù hợp cho cả người tầm thước và người quá khổ, mặc làm sao đẹp và phù hợp và tùy ở cách sử dụng của khách hàng".
Trần Anh
Theo Infonet