Tại phiên tranh luận diễn ra ngày 14/1, Giám đốc vận hành của Apple Jeff Williams cho biết hãng đã đề nghị Qualcomm bán modem trên thế hệ iPhone XS, XS Max và XR, nhưng Qualcomm từ chối sau khi Apple kiện ngược lại vì giá bản quyền cao.
“Cuối cùng họ đã quyết định không hỗ trợ, và cũng không bán chip cho chúng tôi”, ông Jeff Williams phát biểu trước Ủy ban Thương mại Quốc gia Mỹ (FTC).
Qualcomm độc quyền, tính giá gấp 5 lần với Apple
Vụ tranh chấp giữa Qualcomm và Apple đang ở một bước mới khi Qualcomm và Apple phải ra điều trần tại FTC. Qualcomm bị cáo buộc về hành vi độc quyền, đặt giá bản quyền quá cao, từ chối cấp bản quyền cho những hãng phát triển chip khác, và hứa hẹn những hợp đồng độc quyền với những hãng như Apple nếu họ từ chối dùng sản phẩm của hãng khác.
Ông Jeff Williams cho biết Apple đã liên hệ với Qualcomm để sử dụng công nghệ ngay từ khi bắt đầu phát triển iPhone. Tuy nhiên Apple không muốn phải trả những khoản phí bản quyền và cùng lúc vẫn phải trả tiền linh kiện, do vậy Apple muốn chỉ thanh toán bản quyền cho Qualcomm thông qua các đối tác cung cấp linh kiện.
Ký họa phiên tranh luận giữa Apple và Qualcomm trước FTC. Ảnh: Cnet. |
Nói cách khác, Foxconn, công ty lắp ráp iPhone, sẽ trả tiền bản quyền cho Qualcomm, và Apple sẽ thanh toán khoản tiền đó cho Foxconn. Tuy nhiên ông Williams cho rằng Apple đã phải thanh toán mức phí cao gấp 5 lần cho modem của Qualcomm. Cụ thể, một modem có giá 30 USD, và mức phí bản quyền là 5% tương đương 1,5 USD, nhưng cuối cùng họ vẫn phải trả tới 7,5 USD.
Apple cuối cùng vẫn chấp nhận trả mức phí cao do nó vẫn thấp hơn so với cách tính dựa trên giá thiết bị cuối. Mức tính 5% trên giá thiết bị tương đương 12-20 USD trên mỗi máy.
Đến năm 2011, khi Apple ký lại hợp đồng với Qualcomm, mức giá mà Qualcomm đòi hỏi cao hơn nhiều so với mức 7,5 USD trước đây, đồng thời họ cũng muốn tăng giá những linh kiện khác. Sau khi đàm phán, Apple vẫn giữ được mức giá như cũ, nhưng họ bắt buộc phải sử dụng độc quyền chip của Qualcomm, không được tìm đối tác khác.
Năm 2013, hai công ty lại đàm phán hợp đồng mới, và Qualcomm muốn tăng giá một lần nữa. Apple tiếp tục đàm phán được mức giá thấp, nhưng vẫn phải đề nghị các điều khoản độc quyền với Qualcomm.
“Chúng tôi phải đối mặt với khoản tăng 1 tỷ USD mỗi năm cho tiền bản quyền, giống như chúng tôi bị dí súng vào đầu vậy”, Cnet trích lời ông Williams giải thích lý do Apple phải ký hợp đồng mới vào năm 2013.
“Nếu không làm vậy, chúng tôi phải chấp nhận mức phí tương đương những nhà sản xuất khác, khoảng 17-18 USD. Chúng tôi cần chip của họ. Nếu làm theo cách thông thường, chúng tôi sẽ không thể mua được chip. Chúng tôi không có nhiều lựa chọn”.
Vì tranh chấp với Qualcomm, iPhone trễ hẹn với 5G
Trên thế hệ iPhone 2018, Apple chỉ sử dụng modem do Intel cung cấp. Theo giải thích của ông Jeff Williams, Apple muốn dùng chip của cả Qualcomm và Intel, nhưng sau đó chỉ có thể hợp tác với Intel do bị Qualcomm từ chối.
Thế hệ iPhone tiếp theo nhiều khả năng sẽ không có công nghệ 5G, do Apple sử dụng modem của Intel. Ảnh: @Onleaks. |
Việc phụ thuộc vào Intel khiến Apple không thể đưa công nghệ 5G vào iPhone sớm. Những chip 5G của Intel sẽ chỉ hoàn thiện vào năm 2020, trong khi Qualcomm hiện đã cung cấp chip 5G cho nhiều hãng để ra mắt trong năm nay.
Do vậy, tốc độ kết nối mạng di động của iPhone năm nay sẽ thua kém nhiều đối thủ. Trước đây, khi Apple sử dụng modem của cả Intel và Qualcomm, hãng này phải giảm tốc độ kết nối trên máy dùng modem Qualcomm để tốc độ đồng đều.
Tranh chấp bắt đầu từ năm 2017, khi Apple kiện Qualcomm vì mức giá bản quyền quá cao. Qualcomm sau đó kiện ngược lại, cho rằng Apple đã vi phạm bản quyền, thậm chí còn chia sẻ thông tin với Intel. Tới tháng 10/2018, Qualcomm cho biết Apple đang nợ tới 7 tỷ USD tiền sử dụng bản quyền.
Sau đó, Qualcomm đã tiếp tục kiện Apple ở nhiều nước như Đức và Trung Quốc, khiến cho iPhone bị dừng bán ở cả 2 nước. Apple đã phải rút lại các mẫu iPhone 7, iPhone 8 tại Đức và cập nhật phần mềm cho hầu hết mẫu iPhone tại Trung Quốc để thoát lệnh cấm.