Trưa 7/3, trao đổi với phóng viên, ông Tạ Tiến Doãn (45 tuổi), người quét dọn lăng vua Ngô Quyền cho biết, sáng cùng ngày, quái thú trên bức bình phong gây tranh cãi nhiều ngày nay trước lăng vua Ngô Quyền (Hà Nội) đã bị đập bỏ.
Trước đó, người dân thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) bức xúc với hình ảnh quái thú (theo thiết kế là con hổ) trước lăng vua Ngô Quyền. Họ cho rằng đây là hình ảnh rất phản cảm.
Ông Dương Hữu Số, thủ từ lăng vua Ngô Quyền, cho biết: “Cách đây vài tháng, công nhân tới thi công theo công trình trùng tu di tích lăng vua Ngô Quyền. Nhưng khi làm xong bức bình phong, tôi thấy có con vật kỳ lạ xuất hiện”. Rất nhiều du khách tới tham quan dịp lễ Tết nguyên đán, rằm tháng giêng vừa qua không hài lòng và bức xúc với hình ảnh “quái thú” này.
Ông Dương Hữu Số, thủ từ lăng vua Ngô Quyền rất bất bình về việc đơn vị thi công tự ý dựng bức bình phong hình quái thú và thay đổi màu sắc hình rồng trên lăng. |
Ngoài việc dựng bức bình phong với con vật lạ, phần mộ vua Ngô Quyền cũng bị đơn vị thi công tự tiện sửa. Cụ thể, hai con rồng trên mộ vua đã bị sơn lại với màu sắc sặc sỡ, không còn giữ nét cổ xưa.
“Tôi đã nói rất nhiều lần rằng không ai được tự tiện sửa chữa phần mộ của ngài nhưng đơn vị thi công vẫn tự ý làm. Phần hệ thống rãnh thoát nước đã làm chắn ngang phía sau lăng cũng không phù hợp", ông Số nói.
Hình rồng trên lăng mộ vua Ngô Quyền sau khi bị thay đổi màu sắc. |
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm, nói: “Công trình trùng thu di tích lăng vua Ngô Quyền do Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Văn phòng tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ xây dựng – Trường Đại học Kiến trúc, đơn vị thi công là Công ty xây dựng Phương Anh tiến hành xây dựng từ tháng 8/2013, tiến độ 500 ngày.”
Trao đổi với Zing.vn, GS. Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, người tư vấn thiết kế công trình trùng tu di tích lăng vua Ngô Quyền cho biết: “Công trình trùng tu di tích lăng vua Ngô Quyền đã được các cơ quan chức năng thông qua và là kết quả của nhiều lần họp người dân Đường Lâm. Tuy nhiên, đơn vị thi công lại không hỏi lại vị trí dựng bức bình phong, hoa văn và cách xây như thế nào, Vì thế đã xảy ra sự việc bức bình phong trở nên xấu xí gây xôn xao dư luận”.
Ông Tạ Tiến Doãn (45 tuổi), người quét dọn lăng chỉ hình con vật giống quái thú trên bức bình phong. |
Ông Biền phân tích, bức bình phong ở lăng vua Ngô Quyền có ba điểm sai. Thứ nhất, vị trí đặt bình phong là sai. Cần phải định vị nơi đặt bình phong theo sự tích của mảnh đất đó. Đặt bình phong chắn giữa lăng khiến du khách thập phương tới khó dâng hương làm lễ gây mất mỹ quan. Theo ý kiến vị giáo sư, vị trí đặt bình phong đẹp nhất là dưới chân cột cờ phía trước lăng.
Thứ hai, bố cục của bức bình phong không hợp. Mặt trước đáng lẽ ra là một ông hổ phục có vằn nằm hướng mặt, hướng đuôi ra phía trước. Ông hổ là thần linh cai quản trên mặt đất có ý nghĩa trừ tà, trừ quỷ dữ. Trong khi đó, đơn vị thi công lại dựng một con vật nửa báo, nửa sói với sắc thái, móng vuốt hung dữ, đuôi hướng vào trong lăng rất phản cảm. Mặt phía sau bình phong phải cho đắp hình ảnh tứ linh, long cuốn thủy hoặc cá chép vượt vũ môn có ý nghĩa bày tỏ khát vọng cho hậu thế.
Thứ ba, mảng trảm, sắc thái của con vật trong bức bình phong rất phản cảm.Theo ý kiến của GS. Trần Lâm Biền, cần sửa lại bức bình phong sao cho hợp lý phong thủy, sự tích mảnh đất nơi có lăng vua Ngô Quyền. Có thể di chuyển hoặc dỡ bỏ bức bình phong mang hình quái thú đi.