Quái chiêu trốn án của tử tù bị tiêm thuốc độc
Tiêm thuốc độc là biện pháp hành quyết mới mẻ, nhưng lịch sử 3 thập niên của nó đã ghi nhận nhiều câu chuyện bi hài.
Do các quy định về tử hình bằng tiêm thuốc độc đều vô cùng chặt chẽ nên cơ may thoát chết của những kẻ tử tù là vô cùng nhỏ. Để lập được kỳ tích đó, phạm nhân phải dùng đến những phương cách khó tưởng tượng nhất, từ đó mà lưu truyền những câu chuyện thật như đùa.
Năm 2007, tử tù Darryl Durr ở bang Ohio (Mỹ) trước ngày phải vào phòng tiêm bất ngờ tuyên bố mình bị dị ứng với thuốc độc dùng để tử hình. Nếu tiêm, Durr sẽ phải chịu cái chết đau đớn. Điều này trái với mục đích ban cho phạm nhân cái chết nhẹ nhàng, không đau đớn.
Trước thực tế này, chính quyền bang Ohio đã buộc phải hoãn thi hành án vô thời hạn với tên tử tù ranh mãnh này. Sau vụ việc của Durr, các nhà hành pháp Mỹ lập tức đặt hàng giới nghiên cứu thêm vài loại thuốc dự phòng khác để tránh tái diễn trường hợp dị ứng tương tự.
Thế nhưng họ không ngờ rằng, kẻ ma mãnh tiếp theo lại sử dụng vũ khí không ngờ khác để trốn thần chết. Khi nhận được thông báo chuẩn bị đến lượt phải bước vào phòng 'tiêm chủng', tử tù Richard Cooey xin miễn thi hành án với mình vì hắn… quá béo.
Thoạt đầu, điều này có vẻ như rất nực cười, nhưng khi kiểm tra lại, giới chức Mỹ mới thực sự tá hỏa. Tên này nặng tới 267 pound (tương đương 121kg) nên ngay cả khi tìm được tĩnh mạch thì với khối lượng cơ thể đồ sộ ấy, các mũi tiêm - nhất là mũi gây mê đầu tiên có thể không đủ khiến hắn ta chết nhẹ nhàng.
Điều oái oăm là luật pháp Mỹ không chỉ quy định đích danh loại thuốc cho từng mũi tiêm mà còn quy định cả liều lượng của chúng. Không còn cách nào khác, tòa án tối cao Hoa Kỳ đành giảm án cho Richard Cooey xuống còn chung thân.
Trái với những tên tử tù tìm trăm phương nghìn kế để trốn tránh cái chết, có những phạm nhân đã may mắn sống mà chẳng phải dụng đến mưu mẹo gì.
Năm 2003, Willie Jerome Manning, 44 tuổi, bị tòa án bang Mississippi (Mỹ) buộc tội đã giết người cướp tài sản. Cảnh sát thu thập được ở hiện trường một vài sợi tóc rất giống với mẫu tóc của Manning.
Bất chấp mọi lời kêu oan của ông, án tử hình vẫn được tuyên. Năm 2010, người đàn ông gốc Phi này được thông báo chuẩn bị thi hành án bằng tiêm thuốc độc. Đến phút cuối, luật sư của ông đã đệ đơn yêu cầu tòa án tối cao so sánh ADN mẫu tóc của Manning với mẫu tóc thu được ở hiện trường năm xưa.
Đề nghị này được chấp thuận. Và thật bất ngờ, 2 mẫu tóc đó không phải là của 1 người. Vì thế, tử tù Manning chính thức được tuyên vô tội, trả tự do.
Manning không phải là trường hợp hy hữu thoát chết nhờ sự thay đổi quyết định của các cơ quan thi hành pháp luật. Một tù nhân khác tại Guatelama thì thoát chết thần kỳ. 3 lần tổ chức hành hình anh ta thì cả 3 lần các kỹ thuật viên đều làm vỡ các ống thuốc độc khi chuẩn bị.
Rồi chẳng biết run rủi thế nào, sau lần thứ 3 ấy, tên của tử tù này trong danh sách lại được đánh dấu là đã tử hình. Vậy là người đàn ông may mắn này cứ ở mãi trong tù cho đến tận khi gia đình đòi được nhận di cốt, các giám thị nhà tù mới tá hỏa đi tìm.
Theo hồ sơ, anh ta đã thi hành án, nhưng phần xử lý xác chết lại không thấy ghi chép gì. Phải mất một thời gian sau, họ mới phát hiện ra tử tù này vẫn đang bị biệt giam.
Giận dữ vì người thân của mình bị 'bỏ quên', thân nhân tử tù đã khiếu kiện cả ban lãnh đạo nhà tù lên tòa tối cao. Phạm nhân này cũng lên tiếng phàn nàn rằng, sự tắc trách của những người thi hành án đã khiến anh ta bị khủng hoảng tâm lý nặng nề.
Rốt cuộc, tòa án tối cao nước này đã hạ mức án cho anh này xuống còn chung thân. Đây quả là sự việc hy hữu có một không hai trên thế giới.
Theo Gia Đình và Xã Hội