Theo truyền thông nhà nước UAE, ngày 18/9, liên minh quân sự Saudi Arabia - Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã khởi động chiến dịch tái chiếm cảng Hodeidah do phiến quân Houthi kiểm soát.
Tổ chức hoạt động vì trẻ em Save the Children cho biết thiệt hại tại cảng hoặc việc đóng cửa tạm thời sẽ làm tăng giá dầu và thực phẩm, đẩy thêm 1 triệu trẻ vào nguy hiểm do nạn đói gây ra.
Theo Save the Children, 5 triệu trẻ em tại Yemen đang phải đối mặt với nạn đói. Ảnh: CNN. |
Helle Thorning-Schmidt, Giám đốc điều hành Save the Children, nhận định “khủng hoảng dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề” cho thế hệ trẻ.
“Hàng triệu trẻ em không biết khi nào bữa ăn tiếp theo sẽ tới hay thậm chí là liệu có bữa tiếp theo hay không. Tại một bệnh viện tôi đến thăm ở phía bắc Yemen, các em bé yếu đến mức không thể khóc, cơ thể kiệt sức vì đói. Tình trạng này có thể đang diễn ra ở bất cứ bệnh viện nào tại Yemen”, bà Thorning-Schmidt nói.
“Những gì xảy ra ở Hodeidah ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em và các gia đình tại Yemen. Kể cả một sự gián đoạn nhỏ trong nguồn cung thực phẩm, dầu và đồ cứu trợ qua bến cảng cũng có thể đồng nghĩa với cái chết của hàng trăm nghìn đứa trẻ suy sinh dưỡng, những đứa trẻ không có thức ăn để sống”, bà nhận định.
“Tôi thấy con gầy trơ xương”
Thành phố cảng Hodeidah là “đường sống" quan trọng, cung cấp thức ăn và đồ cứu trợ nhân đạo cho 80% dân số Yemen, theo ước tính của tổ chức Save the Children. Được kiểm soát bởi quân nổi dậy Houthi, đây đồng thời là cửa ngõ chính của phiến quân ra Biển Đỏ.
Các lực lượng của liên quân nỗ lực giành quyền kiểm soát Hodeidah từ tháng 6. Liên Hợp Quốc cho biết trong trường hợp tệ nhất, cuộc tấn công vào thành phố cảng có thể làm 250.000 người thiệt mạng.
Hodeidah là cửa ngõ cứu trợ nhân đạo cho Yemen. Đồ họa: CNN. |
Bên cạnh sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ, giá thực phẩm tại Yemen đã tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày. Các loại nhiên liệu như xăng và chất đốt để nấu ăn gần đây cũng tăng giá 25%. Việc đi lại và nuôi sống bản thân cùng gia đình của nhiều người dân trở nên khó khăn.
“Kể cả những gián đoạn nhỏ nhất với nguồn cung cũng đẩy giá dầu, giá vận chuyển cao tới mức các gia đình không thể chi trả để đưa con bị ốm tới bệnh viện”, Tamer Kirolos, giám đốc Save the Children tại Yemen, cho biết.
Một phụ nữ, lấy tên là Manal, cho biết con gái sơ sinh của chị gầy trơ xương sau khi bị suy dinh dưỡng.
“Khi Suha 6 tháng tuổi, con bé bị ốm. Tôi có thể thấy xương của con. Tôi không thể làm gì cho nó, cũng không có tiền đi lại. Tôi phải vay tiền để đưa Suha đến bệnh viện ở xa làng. Hàng ngày, chúng tôi hầu như chỉ ăn 2 bữa. Bữa sáng là bánh mì và trà, buổi trưa là khoai và cà chua. Tôi thường không ăn gì mà để dành cho các con”, chị Manal giãi bày.
Trẻ em chết trong không kích
Các cuộc tấn công quân sự bắt đầu vào tháng 6 nhưng cuộc chiến tạm ngừng khi Liên Hợp Quốc cố gắng đưa các bên tham chiến vào bàn đàm phán. Nỗ lực gần đây nhất diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ đầu tháng 9. Tuy nhiên, đại diện phiến quân Houthi không tới. Tất cả các bên đều đổ lỗi cho nhau gây cản trở đàm phán hòa bình.
Liên quân Saudi Arabia - UAE bị cáo buộc giết hại dân thường và đứng sau vụ không kích vào xe buýt khiến hàng chục học sinh thiệt mạng hồi tháng 8.
Quả bom được sử dụng trong cuộc tấn công là loại bom MK 82 nặng 227 kg điều khiển bằng laser. Theo chuyên gia về đạn dược nói với CNN, loại bom này được Lockheed Martin chế tạo và Mỹ bán theo thỏa thuận với Saudi Arabia.
Trẻ em mất nhà cửa phải sống trong các trại cứu trợ dành cho những người chạy trốn cuộc chiến ở phía đông Hodeidah. Ảnh: Getty. |
Ngày 18/9, CNN tiếp tục đưa tin không kích ập xuống nhà của gia đình người Yemen ở Saada, làm một bé gái 3 tháng tuổi và bé trai 3 tuổi thiệt mạng.
Đại tá Turki Al-Malki, người phát ngôn của liên quân, cho biết sẽ tiến hành điều tra vụ việc. Ông khẳng định liên quân “nghiêm túc xem xét mọi cáo buộc” và “các chiến dịch nhắm vào mục tiêu đều được thực hiện trên cơ sở phù hợp với quy tắc giao chiến, tương đồng với quy chuẩn quốc tế cao nhất”. Tuy nhiên, ông thừa nhận “có khả năng thiệt hại ngoài dự kiến và thương vong dân sự”.
Đại dịch lăm le chực chờ
Nạn đói chỉ là một trong những khủng hoảng nhân đạo mà người dân Yemen phải đối mặt. Hồi tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo quốc gia bị chiến tranh tàn phá cũng đang bấp bênh trên bờ vực của dịch tả lần thứ ba.
Các trường hợp mắc bệnh gia tăng gần thủ đô Sanaa và Hodeidah, nơi tình trạng xung đột gần đây cản trở nỗ lực phòng bệnh của WHO.
“Chúng ta đã trải qua hai đợt dịch tả trong những năm gần đây, và thật không may, số liệu vài ngày và vài tuần qua cho thấy có thể chúng ta đang bắt đầu bước vào đại dịch lần thứ ba tại Yemen”, CNN dẫn lời Peter Salama, phó tổng giám đốc WHO phụ trách chuẩn bị và ứng phó tình huống khẩn cấp.
Theo số liệu mới nhất của WHO, từ tháng 4/2017, Yemen ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nghi ngờ nhiễm bệnh tả, với hơn 2.300 cái chết liên quan.