Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu ấn văn hóa Pháp qua âm nhạc, văn chương

Từ văn học cho đến âm nhạc, hội họa, làn sóng nghệ thuật Pháp đã để lại những dấu ấn nhất định trong các tác phẩm hiện đại.

nghe thuat ha noi anh 1

Nguyễn Trương Quý tác giả Một thời Hà Nội hát, Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc tại sự kiện Trôi dạt và hội tụ: Hà Nội, như một sự lựa chọn. Ảnh: Đức Huy.

Trong những năm 1945-1956, đời sống giải trí của người dân Hà Nội không thể thiếu lời ca và tiếng nhạc từ những cái tên được gọi là huyền thoại như Hoàng Trọng, Hoàng Dương, Đoàn Chuẩn Từ Linh... Trong các sáng tác của họ, dù có ấn tượng của chủ nghĩa lãng mạn từ Pháp, bản sắc riêng của người Việt vẫn được lưu giữ, đặc biệt là các hình ảnh về thủ đô Hà Nội.

Cuộc cách mạng âm nhạc

Theo Nguyễn Trương Quý (tác giả Một thời Hà Nội hát, Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc), thế giới âm nhạc của thủ đô cũng có sự giao thoa với văn hóa phương Tây từ những năm 30 của thế kỷ XX.

"Có một bài hát khi xưa được người dân ta chuyển từ lời Pháp sang lời Việt mang tên Mai Hương tình nương. Vì bài hát mang giai điệu nước ngoài nên các thanh trắc như hỏi, ngã không thể thêm vào chỉ có các thanh bằng. Sau này, các bài hát nước ngoài du nhập vào Việt Nam đã được viết lại lời hoàn chỉnh hơn", tác giả Nguyễn Trương Quý chia sẻ.

Vào những năm 1930, người Hà Nội chuộng đĩa hát và những bộ phim ca nhạc lấy bối cảnh phương Tây. Dần dần mọi người tiếp thu chúng và ghi nhận các giá trị tươi đẹp từ nghệ thuật nước ngoài. Bên cạnh sự đấu tranh dân tộc, có một tinh thần quốc tế đã lan rộng trong các sản phẩm giải trí của người Việt từ thời Pháp thuộc. Những khao khát, bày tỏ trong lời ca và tiếng nhạc của người Pháp cũng thật gần gũi với chúng ta.

nghe thuat ha noi anh 2

Một số cuốn sách được trưng bày tại sự kiện.

Trong phần chia sẻ, Nguyễn Trương Quý cũng nhắc tới Đoàn Chuẩn, nhân vật chính trong cuốn Một thời Hà Nội hát. Đoàn Chuẩn là một trong những nhạc sĩ có sự nghiệp thăng hoa trong thời kỳ 1954-1956. Qua các nhạc phẩm này, Nguyễn Trương Quý thấy được sự chuyển hóa của thành phố Hà Nội, từ một đô thị thuộc địa sang đô thị kiểu mới. Trong đó, chủ nghĩa lãng mạn bắt đầu nổi lên như một xu hướng thịnh hành.

Hà Nội hiện lên với dáng vẻ của một xứ sở nên thơ ngay trong thời kỳ chiến tranh. "Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê. Chuông reo ngân, Ngọc sơn sao uy nghi", trích lời bài hát Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Dẫu văn hóa phương Tây có tiến vào nhưng người Việt nói chung không bài trừ nó một cách cực đoan. Các giá trị vẫn được lưu giữ lại và tồn tại trong các sáng tác như một "người thư ký trung thành" cho thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc.

Văn hóa Pháp đối với thanh thiếu niên

Theo TS Trần Ngọc Hiếu tại sự kiện "Trôi dạt và hội tụ: Hà Nội, như một sự lựa chọn" chiều ngày 15/5, văn học Pháp có nhiều tác phẩm đã được dịch và nổi tiếng với độc giả tại Việt Nam. Chẳng hạn Không gia đình của Hector Malot, Thằng gù nhà thờ đức bà, Những người khốn khổ của Victor Hugo... Những cuốn sách này đã trưởng thành với nhiều thế hệ trẻ, một số đoạn trích được đưa vào chương trình giảng dạy môn Ngữ Văn trong nhà trường trước kia.

nghe thuat ha noi anh 3

TS Trần Ngọc Hiếu và tác giả Nuage Rose chia sẻ tại sự kiện.

TS Trần Ngọc Hiếu đã nhắc tới nhân vật Văn trong tác phẩm Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng). Ở nhân vật này vừa có nét chung nhưng cũng có những nét độc đáo riêng. Văn giống với những người trong tác phẩm của Victor Hugo, anh mang dáng vẻ kiêu bạt, bất cần và những lý tưởng thời đại. Đặt trong bối cảnh của tác phẩm, nhân vật Văn còn tỏa sáng hơn nữa, anh dám từ bỏ cuộc sống hoa lệ để lên đường tham gia chiến trận, bảo vệ những người mình yêu. Để rồi trong nỗi nhớ, khi con người hóa thành xứ sở, thứ mà nhân vật Văn bảo vệ chính là thủ đô Hà Nội.

Giữa những tượng đài văn học Pháp và văn học Việt Nam dường như không có một khoảng cách quá xa. Những giá trị chung của nhân loại vẫn được nêu lên với tinh thần quả cảm, lòng yêu nước, tình yêu con người. Nghệ thuật của giới tri thức Hà Nội hay các sĩ phu yêu nước trong những năm 40 của thế kỷ 20 đã kháng cự lại văn hóa Pháp, về mặt lịch sử, đây là sự nỗ lực bảo toàn bản sắc dân tộc.

Đạo đức là luân lý Đông Tây của Phan Châu Trinh và đoạn trích của tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ Văn cũ được TS Trần Ngọc Hiếu nhắc đến như một ví dụ về sự giao thoa văn hóa Việt-Pháp những buổi ban đầu. Những trang viết của người sĩ phu yêu nước dưới thời Pháp thuộc đã nêu lên tinh thần chung của thế giới, hướng đến hòa bình, độc lập, tự do.

Phan Châu Trinh thẳng thừng phê phán hành động chủ nghĩa thực dân nhưng ông vẫn ghi nhận những điểm mới của phương Tây đáng để xã hội Việt Nam tiếp thu. Chính vì đó, dấu ấn văn hóa Pháp vẫn còn tồn tại đến ngày nay, chúng đã trải qua một quy trình chọn lọc và thẩm thấu vào trong đời sống xã hội Việt Nam.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Ra mắt nhiều tác phẩm văn học châu Âu dành cho thiếu nhi

Nhiều tác phẩm mới, nổi tiếng và được nhận những giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi mới được xuất bản trong khuôn khổ "Những ngày văn học châu Âu 2023".

Đượm đầy nhớ thương Hà Nội

Cuốn tản văn “Hà Nội chưa xa đã nhớ” của tác giả Vy Anh là những trang viết đượm đầy nhớ thương của một tâm hồn đa cảm, yêu tha thiết Hà Nội, nơi tác giả sinh ra, trưởng thành.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm