Trên đảo Phú Quốc hiện không nhiều người có vùng nuôi trai lớn như anh Hồ Phi Thủy, bởi hầu hết vùng ven biển đảo này chưa có quy hoạch cụ thể cho việc nuôi trai. Đi từ nơi đầu sóng bắc đảo, xuôi về nam đảo Hàm Ninh, An Thới, chúng tôi chỉ thấy cơ sở ngọc trai nằm ở xã Dương Tơ do anh Thủy làm chủ là có vùng nuôi quy mô nhất, lên đến hàng chục ha.
Những viên ngọc óng ánh cỡ lớn thế này có giá hàng chục triệu đồng/viên. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Anh Hồ Phi Thuỷ tâm sự, anh xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em ở tận Quảng Nam. Vùng đất miền Trung nắng gió luôn phải gánh chịu bão tố khiến gia đình anh đã nghèo càng thêm nghèo. Năm 19 tuổi, học hết THPT, không có tiền để thi đại học nên anh Thủy bước ra đời với 2 bàn tay trắng, phiêu bạt tứ xứ để kiếm ăn.
Trải qua nhiều nghề làm thuê kiếm sống, vào năm 1994, anh đến đảo Phú Quốc làm thợ lặn săn bắt cá dưới biển. "Đây là nghề vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy nhỏ là vùi thây dưới lòng biển lạnh. Bởi ở độ sâu vài chục đến cả trăm mét nước, lúc nổi lên mà quên giảm áp, ngưng nghỉ nhiều chặng thì bể mạch máu mà chết", anh Thủy chia sẻ.
Dù vất vả, nhưng thu nhập từ nghề này khá cao. Thời điểm cách đây cả 2 thập kỷ, mỗi chuyến lặn biển, nếu bắt được nhiều cá cũng kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Số tiền này mua được đôi ba chỉ vàng, với thời giá bấy giờ. Song anh ngậm ngùi cho hay, dấn thân vào nghề này, anh phải "đánh đổi" bằng một phần cơ thể. Sau vài năm làm thợ lặn, anh Thủy bị thủng màng nhĩ cả 2 tai.
Thế rồi, dưới sức đánh bắt ào ạt của con người, sản phẩm biển ngày càng cạn kiệt, anh Thuỷ bỏ nghề. “Càng về sau càng có nhiều người theo nghề nên cá càng giảm đi. Thấy vậy tôi đã bán tàu lặn nhảy lên bờ làm nghề khác, vì không biết khi nào đến lượt mình tử vì nghề nữa”, anh tâm sự.
Anh Thủy bên những con trai chuẩn bị vào lứa thu hoạch. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Ông chủ ngọc trên đảo ngọc
Anh Thủy kể, khi bỏ nghề lặn để lên bờ, anh đem bán chiếc ghe cho một chủ cơ sở nuôi cấy trai của người Nhật Bản. Từ đó, anh cũng được vào làm công ăn lương luôn cho cơ sở này ở xã Dương Tơ (Phú Quốc, Kiên Giang).
Nhờ siêng năng và chịu khó học hỏi, anh được chủ cơ sở nuôi cấy ngọc này giao nhiệm vụ lặn biển, thăm dò và kiểm soát vùng nuôi, cũng như việc theo dõi cấy ngọc khi trai đến thời kỳ thích hợp. Anh nhớ lại, từ việc gần gũi với những thợ nuôi trai và cấy ngọc lành nghề phía Nhật, không lâu sau anh đã nắm bắt được kỹ thuật cấy. Năm 1997, do kinh doanh ít hiệu quả và chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính ở châu Á, cơ sở nuôi trai lấy ngọc này bị giải thể.
Khi đó, anh Thủy dùng số tiền tích cóp được mua 5 bộ thiết bị cấy ngọc, một số lồng nuôi và chiếc tàu. Rồi anh bám nghề luôn cho đến nay. Vì thiếu vốn, sau khi tiếp nhận thiết bị kỹ thuật cấy ngọc từ cơ sở của người Nhật, anh chỉ dám thả nuôi 3.000 con trai giống thì mua từ “bạn lặn” bắt ngoài thiên nhiên để thử nghiệm.
Mẻ trai mở đầu này có đến 65% trai có thể cấy và cho ra ngọc thương phẩm, nhưng năm đó anh Thủy chỉ hòa vốn. Vài năm sau, ngọc trai cho lợi nhuận và có được bao nhiêu vốn, anh đổ hết vào việc mua sắm ngư cụ, thuê thêm nhân công nhằm mở rộng vùng nuôi. Với những vụ mùa bội thu sau đó, không lâu anh Thủy đã có “của ăn của để”.
Trai giống thả nuôi ban đầu chỉ nhỏ bằng sợi tóc. Nuôi được gần 15 tháng thì người nuôi mới có thể cấy ngọc vào bộ phận sinh sản của trai. Rồi cũng gần 15 tháng nữa, trai mới cho thu ngọc. Nhờ làm ăn thuận lợi nên chỉ trong 5 năm anh Thủy đã hình thành được vùng nuôi trai lớn rộng 2 ha mặt nước biển cho riêng mình.
Hiện tại sản phẩm ngọc trai của anh chủ yếu xuất bán sang trị trường như Nhật, Hàn Quốc và Nga. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Thấy mình nắm kỹ thuật cấy ngọc chưa an tâm, anh Thủy đã bỏ tiền thuê luôn một người Nhật làm cố vấn về kỹ thuật. Cố vấn này chính là cựu quản đốc của cơ sở nuôi trai ở xã Dương Tơ mà anh từng làm công ở đó.
“Tôi thuê ông mỗi năm chỉ cần sang Phú Quốc xem vùng nuôi của tôi một tuần lễ rồi về nước, với giá hàng ngàn đôla mỗi tháng. Chính vì thế, trai của tôi nuôi liên tục thu về thắng lợi”, anh Thủy chia sẻ.Nhờ nắm vững kỹ thuật kèm với ý chí vượt khó, năm 2005, con trai đã mang về cho anh Hồ Phi Thủy thu nhập hơn 4 tỷ đồng. Khoản thu nhập hàng tỷ đồng vẫn được duy trì cho đến những năm sau đó.
Hiện nay, vợ chồng anh Hồ Phi Thủy nắm giữ trong tay khối tài sản đồ sộ. Trong đó có một nhà trưng bày sản phẩm ngọc trai chính hiệu Phú Quốc tại khu du lịch bãi Trường, xã Dương Tơ, với hàng chục ngàn viên ngọc quý. Vùng nuôi trai của anh cũng giải quyết công ăn việc làm cho hơn 40 người thường trực. Tiền công bình quân mỗi người hơn 3 triệu đồng/tháng. Anh có trong tay đến 1,5 triệu con trai, hứa hẹn những vụ thu hoạch cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Ý chí vượt khó, làm giàu của anh Hồ Phi Thủy khiến nhiều người nể phục. Từ một thanh niên không có nghề nghiệp ổn định, tha phương cầu thực, giờ đây anh Thủy đã là một ông chủ ngọc trai của vùng biển đảo. Hàng năm, anh Thủy còn bỏ ra số tiền không nhỏ đóng góp làm những công trình phúc lợi xã hội cho địa phương.