Gimenez để bóng chạm tay khi mất trụ sau pha truy cản Bruno. Ảnh: Reuters. |
Tình huống dẫn đến quả phạt đền cho tuyển Bồ Đào Nha ở phút 88 đang gây chú ý. Ban đầu, trọng tài Alireza Faghani không cho rằng đó là tình huống dùng tay chơi bóng, tuy nhiên sau khi xem lại màn hình chiếu chậm và sự hỗ trợ của VAR, ông đã đổi ý.
Quan điểm trái chiều
ESPN cho rằng trọng tài đã đưa ra quyết định sai vì Luật IFAB (Hiệp hội Bóng đá Quốc tế) diễn giải thì cầu thủ không bị bắt lỗi khi cánh tay của anh ta hỗ trợ cho việc ngã hoặc đứng lên từ mặt đất.
IFAB ghi rõ là lỗi tay to bất thường khi:
- Cánh tay mở rộng từ cơ thể
- Cánh tay mở rộng cao hơn vai
- Cánh tay hướng về phía trước hoặc trên mặt đất và không hỗ trợ cho cơ thể cầu thủ.
Một ví dụ minh họa của IFAB để chỉ ra là cầu thủ áo trắng dùng tay chống đỡ cơ thể. Ảnh: IFAB. |
Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nhận định với Zing: "Tình huống này có thể nhận định là dùng tay chơi bóng chứ không phải bất khả kháng hay vung tay tự nhiên hoặc chống tay xuống đất trước khi bóng đến. Chúng ta nên nhớ rằng, trọng tài mới là người nhận định. Họ có thể cho rằng đây là tiểu xảo".
Một thành viên Ban trọng tài LĐBĐ Việt Nam thừa nhận đây là một tình huống khó. Bởi lẽ trọng tài chính đã xem lại băng quay chậm và cho rằng cầu thủ Uruguay không phải có ý thức chống đỡ cơ thể mà là cố tình chặn bóng. "Chúng ta chỉ có thể lý giải theo hướng quyết định của trọng tài", vị này nói.
Tranh cãi không dứt bởi lẽ động tác chống tay của Jose Gimenez thực hiện sau khi anh đã mất trụ. Tay của anh chống xuống đúng lúc quả bóng đi qua giữa hai chân. Ban đầu, trọng tài người Iran đã bỏ qua nhưng VAR can thiệp nên ông phải xem lại màn hình.
Khi các trọng tài bất đồng ý kiến thì chuyện các chuyên gia bóng đá tranh cãi xung quanh pha bóng này cũng là điều dễ hiểu. Luật đã quy định và diễn giải nhưng trọng tài vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Tình huống khó
Luật 12 của IFAB có đoạn ủng hộ pha chống tay của Gimenez rằng: "Một cầu thủ bị xem là làm cơ thể phình to bất thường khi vị trí cánh tay/bàn tay không phải là hệ quả của một hành động chính đáng của cơ thể trong một tình huống nhất định".
Nhưng IFAB cũng nói thòng thêm một câu: "Việc để cánh tay ở một vị trí như vậy thì cầu thủ phải chịu rủi ro khi để bóng chạm tay và bị phạt". Dựa vào mệnh đề này thì việc trọng tài có thể bỏ qua lỗi này (như nhận định ban đầu của ông) hoặc có thể phạt sau khi xem lại VAR.
Tay của Gimenez có thể bị xem là "tìm đến bóng" trước khi anh chống đỡ cơ thể. Ảnh: Reuters. |
Trong tình huống này, tay của Gimenez đang chống xuống đất thì chạm vào bóng. Nó chỉ khác một ví dụ "không phải lỗi dùng tay chơi bóng" của IFAB là cánh tay chống theo phương nghiêng thay vì chống dọc xuống của trường hợp dẫn đến phạt đền cho Bruno.
Ngoài ra, bàn tay của cầu thủ Uruguay có thể bị xem là đã chặn quả bóng lại trong pha chiếu chậm. Một yếu tố khác để trọng tài có thể nhận định quả phạt đền là tay Gimenez tìm đến bóng thay vì bóng tìm đến tay cầu thủ phòng ngự như các ví dụ của IFAB.
Trọng tài Alireza Faghani khá nổi tiếng khi từng cầm còi nhiều trận đấu quan trọng từ World Cup 2018. Ông lên cấp FIFA năm 2008 và làm nhiệm vụ ở nhiều giải đấu lớn khác nhau ở châu Á cấp đội tuyển lẫn CLB. Ông ba lần giành danh hiệu trọng tài hay nhất Iran và hai lần là trọng tài hay nhất châu Á.
Việc ông thay đổi quyết định của mình cho thấy khả năng nhận định các tình huống "chống đỡ cơ thể" của cầu thủ đội phòng ngự trong vòng cấm địa là không hề đơn giản. Điều quan trọng trên hết là trọng tài vẫn là người nhận định và lý giải cho quyết định của mình.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...