Kể từ đầu năm tới nay, từ “bong bóng”đã được sử dụng tổng cộng 4.600 lần trên báo chí khi nhắc đến những thông tin về thị trường và theo các chuyên gia phân tích tại CNBC, đây là một xu hướng đáng lo ngại.
Chủ nhật vừa qua (27/7), người đồng sáng lập ConvertBond.com (một nhánh của ngân hàng Morgan Stanley) là Lawrence McDonald đã chia sẻ trên Twitter con số thống kê về số lần báo chí sử dụng từ “bong bóng” để nói về thị trường. Ông cũng là một nhà bình luận thị trường sắc sảo và cây bút xuất sắc của tờ New York Times.
Từ "bong bóng" dự tính sẽ được sử dụng 7.900 lần trong năm 2014. Từ này được nhắc đến 6.850 lần trong năm 2007 và 6.800 lần năm 1999. |
Theo đó, từ này đã được sử dụng 4.600 lần kể từ đầu năm tới nay và dự tính đến cuối năm sẽ đạt 7.900 lần. Thử làm một phép so sánh, từ này được nhắc đến 6.850 lần trong năm 2007 (1 năm trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra) và 6.800 lần năm 1999 (ngay trước khi bong bóng dotcom vỡ tung).
Theo Evan Lucas, chuyên gia thị trường tại IG, “bong bóng” được nhắc đến quá nhiều là một chỉ báo hoàn toàn có thể trở thành sự thực bởi các nhà bình luận đang nói về bong bóng thường giữ những vị trí quan trọng trên thị trường.
“Báo chí đang ngày càng nhắc nhiều đến những cụm từ như “bong bóng”, “định giá cao”, “kéo căng quá mức”… Điều này giống như tạo ra hiệu ứng “quả bóng tuyết”, tức là các nhà bình luận bi quan về thị trường và họ truyền cho khách hàng tâm lý tương tự. Cuối cùng, thị trường kiệt sức và “con gấu” đánh bại “con bò”.
Giới phân tích cho rằng điều này càng dễ xảy ra khi đà tăng của các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới đã gần chạm tới mức tới hạn, trong khi nhà đầu tư hoài nghi về các yếu tố kinh tế vĩ mô đứng sau xu hướng tăng giá.
“Chỉ số S&P 500 đang cố gắng tìm ra một lý do để tăng cao hơn nữa. Các chỉ số ở châu Âu thì đã liên tục giảm điểm trong 4 - 5 tuần gần đây sau khi chỉ số Dax của TTCK Đức lập kỷ lục. Trong khi đó, TTCK Australia không thể vượt qua mốc cao nhất 6,5 năm vừa được lập”, Lucas nói.
Hiện tại, hệ số P/E của S&P 500 là 18,84 lần, của các TTCK Nhật Bản, Australia và Đức đều trên 16 lần. Ngược lại, TTCK Trung Quốc - vốn được nhiều người coi là rẻ - cũng có chỉ số P/E ở mức 9,7 lần.
Lucas bổ sung thêm rằng bản thân anh cảm thấy từ “bong bóng” là quá mạnh đối với thị trường hiện nay, nhưng rõ ràng mức giá hiện nay là quá cao.
Quan điểm của Lucas có cùng xu hướng với nhận định của nhiều chuyên gia. John Hussman - chuyên gia phân tích nổi tiếng với những chỉ trích dành cho Cục dự trữ liên bang Mỹ - cho rằng thị trường đang đứng trước tình trạng giống như năm 2000. “Điểm khác biệt lớn nhất giữa thị trường hiện nay và năm 2000 là bong bóng năm 2000 rõ ràng là bong bóng công nghệ, trong khi hiện tại cổ phiếu thuộc mọi lĩnh vực đều đang ở mức giá quá cao”, Lucas nói.
Dưới góc độ của một chuyên gia tâm lý, Andrew Su nhận định các phương tiện truyền thông sử dụng quá nhiều từ “bong bóng” sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bong bóng, họ sẽ mặc định đúng là có bong bóng mà bỏ qua tất cả các yếu tố khác.