Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bong bóng hàng hiệu tại Việt Nam

1,5 triệu người đủ sức xài đồ hiệu nhưng chưa đủ sức đưa Việt Nam vào bản đồ hàng xa xỉ thế giới. Vậy vì sao các thương hiệu đắt tiền vẫn sôi sục đổ bộ vào đây?

Bong bóng hàng hiệu tại Việt Nam

1,5 triệu người đủ sức xài đồ hiệu nhưng chưa đủ sức đưa Việt Nam vào bản đồ hàng xa xỉ thế giới. Vậy vì sao các thương hiệu đắt tiền vẫn sôi sục đổ bộ vào đây?

Ông Ralf Matthaes, Giám đốc Điều hành khu vực Công ty Nghiên cứu Thị trường Taylor Nelson (TNS) tiết lộ khảo sát do Công ty nghiên cứu: có khoảng 1,5 triệu người ở Việt Nam có đủ sức tiêu thụ các món hàng hiệu đắt tiền. Kết quả còn cho thấy chi tiết hơn: 52% đàn ông tiêu dùng hàng xa xỉ, trong đó, ở Hà Nội chiếm 36%, TP.HCM chiếm 10%, còn lại là các nơi khác. Độ tuổi chi tiêu cho mặt hàng này là 35 - 54 tuổi (40%) và đa phần là người có thu nhập từ 8,5 triệu đồng mỗi tháng trở lên.

Hermes và những chiếc túi tiền tỷ cũng cho rằng có thể ăn nên làm ra ở Việt Nam.

Cũng nhận định về thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam, ông Sabyasachi Mishra, Tổng giám đốc Công ty JWT Việt Nam, cho biết: "Thị trường xa xỉ phẩm đang ở vào giai đoạn đầu phát triển với động lực tiêu thụ chính được thúc đẩy từ bên ngoài chứ không phải là những phần thưởng cho bản thân hoặc những trải nghiệm tự hiện thực hóa".

Cũng theo nghiên cứu này, thực hiện tại bốn thành phố lớn tại Việt Nam đối với những người dân ở độ tuổi từ 20 và 65, chỉ có 14% đã mua sắm đồ xa xỉ. Quy mô này nhỏ hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực, nhưng Việt Nam có tiềm năng cho thị trường xa xỉ phẩm nhờ dân số trẻ lớn.

Tài liệu nghiên cứu có tên Thế hệ châu Á 2012 ở Việt Nam cho thấy, "với những người từ 18-35 tuổi tại Việt Nam, cuộc sống có nghĩa là thử nghiệm những thứ mới và những trải nghiệm mới", và "64% trong số đó cho rằng xa xỉ phẩm chính là sự trải nghiệm mới".

Mặc dù hiện chỉ có 1% dân số có khả năng mua sắm xa xỉ phẩm, con số đó đang tăng lên cùng với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu với thu nhập bình quân theo đầu người tăng gấp đôi trong năm năm qua. Với hàng xa xỉ phẩm nhập khẩu lên đến 10 tỷ USD trong năm 2012 (theo số liệu của Bộ Công Thương), làn sóng các thương hiệu mới khai trương hàng tuần vẫn ồ ạt xuất hiện tại các thành phố lớn.

Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường hàng xa xỉ của thế giới theo cách của một mảnh đất tiềm năng, chứ không phải là một thị trường tiêu thụ cao. Đó cũng là lý do mà Hermes, thương hiệu Pháp dẫn đầu top 10 thương hiệu thời trang thế giới, vừa mở cửa hàng thứ hai tại Vincom Center A, TP.HCM với diện tích khoảng 240m2.

Đích thân Chủ tịch Hermes toàn cầu của Hãng là Patrick Thomas tham dự sự kiện này và cho biết: "Quyết định mở cửa hàng thứ hai tại TP.HCM là do mức tăng trưởng tốt của cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội (khai trương năm 2008) với mức tăng trung bình 20-30%/năm". Sản phẩm của Hermes là túi xách và quần áo thời trang, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là túi xách Hermes Berkin - sản phẩm thành công nhất của thương hiệu này với mức từ 10.000 - 150.000USD một chiếc.

Vincom Center A là trung tâm thương mại (TTTM) thứ 5 thuộc chuỗi TTTM mang thương hiệu Vincom Center, đánh dấu cột mốc trong mục tiêu đạt 1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ hiện đại vào năm 2015 do Tập đoàn Vingroup đầu tư và quản lý.

Theo thống kê của Vingroup, tính đến thời điểm này, Vincom Center A coi như đã hoàn tất việc lấp đầy các gian hàng cho thuê với các thương hiệu bậc nhất thế giới như Hermes, Christian Dior, Hugo Boss, Chopard, Versace, Ralph Lauren, Zegna, Omega, IWC, Montblanc... Tỷ lệ tương tự tại Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center Long Biên (Hà Nội) và Vincom Center B (TP.HCM). Tam Sơn chính là nhà phân phối mang thương hiệu Hermes về Việt Nam.

Hiện tại, công ty này đã sở hữu 10 cửa hàng bày bán những sản phẩm chính hãng của các thương hiệu cao cấp như Hermes, Kenzo, Hugo Boss, Korloff, TAG Heuer... Dự định cho tới năm 2015, Công ty sẽ phát triển lên tới 50 cửa hàng. Trong một thông tin loan ra sớm, Tam Sơn cũng sẽ khai trương cửa hàng bày bán thương hiệu đồng hồ và trang sức Chopard tại Vincom A. Chopard là thương hiệu đồng hồ cao cấp mới ra mắt chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới có giá tới 25 triệu USD!

Khái niệm "xa xỉ” và hàng hiệu tại Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở cách hiểu "là sự đắt tiền" - giai đoạn non trẻ nhất của thị trường hàng hiệu. Mặc dù vậy, sự lấp đầy các thương hiệu thời trang nước ngoài trong những trung tâm thương mại Việt Nam đã cho thấy quyết đoán của các nhà đầu tư trong thị trường non trẻ này: "Hãy đầu tư trước vào đây và những khoản đầu tư đó sẽ mang lại lợi tức lớn ở chặng đường phía trước".

Bong bóng

Sự cố của Gucci, Dolce Gabbana và Milano không chỉ liên quan đến việc trốn thuế hay hàng nhái, mà còn phản ánh áp lực của các nhà phân phối hàng hiệu ở Việt Nam. Những phụ nữ mang trên mình chiếc túi Hermes Berkin tại Việt Nam dường như muốn gửi thông điệp đến những người đối diện: "Tôi là người giàu có và đầy quyền lực".

Sự cố Milano cho thấy mặt trái của thị trường hàng hiệu Việt Nam

Thế nhưng những người kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam chưa hẳn đã đủ tự tin để có thứ quyền lực này. Do thị trường hàng hiệu Việt Nam còn tương đối nhỏ, sức mua chưa cao nên rất ít thương hiệu nổi tiếng vào Việt Nam trực tiếp mà thường thông qua một công ty phân phối.

Tính đến thời điểm này, dù thị trường đang có tới hàng trăm nhãn hàng hiệu góp mặt nhưng mới chỉ có chưa đầy 10 doanh nghiệp làm đại lý chính thức cho một số thương hiệu nổi tiếng và kinh doanh theo mô hình tự nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ.

Vụ thương hiệu Milano, Dolce Gabbana và Gucci bị nghi "trốn thuế” hay "hàng giả” mới đây phản ánh một trong rất nhiều mặt trái của thị trường hàng hiệu. Qua tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp phân phối hàng hiệu đều đang gặp khó khăn, trong đó, nhiều thương hiệu vẫn chưa có lãi. Tình thế này buộc các nhà phân phối phải cân bằng lợi nhuận bằng cách "bù qua sớt lại", lấy lãi thương hiệu này, bù qua khoản lỗ của thương hiệu kia.

Một doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu tại TP.HCM giấu tên, cho biết: "Dù kinh doanh đã gần bốn năm và hiện nay công ty chúng tôi đã có 10 cửa hàng tại các trung tâm của Hà Nội và TP.HCM, nhưng so với chi phí đầu tư và số lượng hàng bán ra thì đến nay vẫn chưa có lãi. Song, chúng tôi vẫn theo đuổi vì hy vọng lĩnh vực này sẽ còn nhiều triển vọng trong tương lai. Hơn nữa, việc ký được hợp đồng phân phối không đơn giản nên có khó khăn mấy cũng phải ráng theo đuổi đến cùng".

Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, nhà phân phối của nhiều thương hiệu như Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Salvatore Ferragamo, Versace, Bally... Có thể thấy tình hình kinh doanh của công ty này từ đầu năm đến nay qua con số thuế đóng (thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu) là gần 110 tỷ đồng.

Bà Lylian, Giám đốc Điều hành công ty nói về những áp lực mà nhà phân phối hàng hiệu phải gánh: "Khó khăn là các thương hiệu cao cấp thường đòi hỏi cửa hàng trưng bày phải nằm ở vị trí đẹp, trung tâm, có diện tích lớn. Nhưng hiện nay mặt bằng tại các khu vực trung tâm của Hà Nội và TP.HCM rất khó tìm hoặc giá quá cao. Do đó, làm giảm đáng kể lợi nhuận của các đại lý phân phối.

Nhiều hãng cũng có những tiêu chuẩn khe khắt về cách trang trí, trưng bày quầy kệ, đồng phụ hình ảnh quảng cáo... và chi phí cho các khoản này cũng không nhỏ. Song song đó, nạn hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hiệu trốn thuế, lách luật vẫn không được kiểm soát chặt chẽ cũng gây ảnh hưởng cho việc kinh doanh của các công ty phân phối làm ăn chân chính, đóng thuế đầy đủ như công ty chúng tôi".

Nỗi lo này có thể liên đới vụ lùm xùm mà Gucci, Milano đang dính phải, hay trước đó Louis Vuitton phải kiện tiểu thương để bảo vệ danh tiếng. Công ty G. L chuyên kinh doanh các nhãn hàng thời trang nổi tiếng như Marc Jacobs, Chloé, Givenchy, Loewe, Michael Kors, Pinko, Lanvin... Theo đại diện công ty này, hiện nay, mức thuế nhập khẩu hàng hiệu từ 15-30%, cụ thể đồng hồ 15%, quần áo 20%, giày dép, túi xách 30%, trang sức 25%... Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đóng thuế 10% VAT.

"Trong khi đó ở Singapore, Hồng Kông, mức thuế nhập khẩu là 0%. Điều này vô hình trung làm cho hàng hiệu trong nước khó cạnh tranh với các nước và tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước đổ tiền ra nước ngoài mua hàng hóa.

Nhưng để cạnh tranh với giá hàng hiệu trong khu vực, và cũng để giữ khách hàng nên chúng tôi không cộng thuế vào sản phẩm, khiến lợi nhuận rất thấp", vị đại diện này cho biết.

Các hãng khi hợp đồng với công ty phân phối đều quy định giá bán và tùy đại lý có thể tăng giá bán lên vài %, và khi đại lý không đảm bảo doanh số và vi phạm các chuẩn mực cam kết, họ có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Thực tế, đã có doanh nghiệp bị cắt quyền phân phối và cũng có thương hiệu được giao cho hai, ba đại lý phân phối nên việc cạnh tranh để đạt doanh thu cũng khá gay gắt.

Ma trận hàng hiệu tại TP.HCM

Chỉ 1% người Việt đủ sức dùng hàng hiệu

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm