Sáng 12/10, trao đổi với Zing.vn, kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng, cho biết nhà thầu thi công, đơn vị giám sát và Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm chính về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng.
Thi công ẩu
Kỹ sư Trần Dân cho hay hôm qua 4 nhà khoa học (gồm kỹ sư Trần Dân; TS. Trần Đăng Quảng - Ủy viên Ban Khoa học công nghệ của Hội Cầu đường; Thạc sĩ Nguyễn Biên Cương, giảng viên Khoa Cầu đường của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và bà Trần Thị Thu Thảo (Chi hội Cầu đường của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã có một ngày khảo sát, kiểm tra toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Kỹ sư Trần Dân trả lời phỏng vấn Zing.vn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Các chuyên gia đã dùng búa đục một số vị trí để kiểm tra chất lượng những vị trí hư hỏng. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia nhận định từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ xuất hiện nhiều "ổ trâu, ổ gà".
Từ Km 46+500 đến Km 46+800 xuất hiện nhiều "ổ gà", với đường kính khoảng 50 cm.
Một số vị trí bị sụt lún với chiều dài 2,5 m, rộng từ 50 cm - 60 cm. "Tổng diện tích 'ổ gà' trên đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ khoảng 5 m2 (chiếm 0,00037% diện tích mặt đường", kỹ sư Trần Dân thông tin.
Hướng Tam Kỳ - Đà Nẵng, những chỗ hư hỏng chủ yếu tập trung ở Km 46 và Km 26+400 - Km 26+800. Tình trạng hư hỏng tương tự như hướng Đà Nẵng - Tam Kỳ với diện tích khoảng 10 m2.
Theo quan sát của các chuyên gia, một số đoạn trên cao tốc có khả năng thoát nước kém. Độ bằng phẳng của mặt đường không đảm bảo theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bốn chuyên gia của Hội Cầu đường Đà Nẵng kết luận cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình giao thông quốc gia đặc biệt quan trọng. Số tiền mà Nhà nước đầu tư cho dự án này lên đến 34.500 tỷ đồng, nên việc hư hỏng như trên là không thể chấp nhận được. Nguyên nhân ban đầu được xác định là nhà thầu thi công ẩu, cơ quan giám sát không làm hết vai trò, trách nhiệm.
"Theo tiêu chuẩn thiết kế, phương tiện lưu thông trên cao tốc có vận tốc lên đến 120 km/h. Với hiện trạng hư hỏng như trên, việc tiếp tục khai thác sẽ rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông", kỹ sư Dân kết luận.
Sửa đường đối phó
Thạc sĩ Nguyễn Biên Cương cho biết nhiều ngày qua các đơn vị thi công đã và đang khắc phục những chỗ hư hỏng nói trên. Công nhân đã cào lớp nhựa đường cũ lên và dùng bê tông nhựa vá lại những chỗ bị lún.
Các vị trí hư hỏng. Ảnh: Giáp Hồ. |
Tận mắt chứng kiến các công nhân sửa đường trên cao tốc, kỹ sư Trần Dân cho rằng giải pháp mà nhà thầu áp dụng chỉ là tình thế, không đảm bảo chất lượng. "Nhà thầu sửa đường theo kiểu đối phó với dư luận", ông Dân nói và cho hay việc sử dụng bê tông nhựa chặt và nguội để sửa đường như hiện nay là không phù hợp và bền vững.
"Ban quản lý dự án phải yêu cầu nhà thầu sử dụng vật liệu tương thích với tầng mặt bê tông nhựa và dùng giải pháp kỹ thuật phù hợp để khắc phục triệt để những hư hỏng trên. Nếu các đơn vị thi công không thực hiện đồng bộ các biện pháp thì cao tốc sẽ tái diễn hư hỏng", kỹ sư Dân khuyến cáo.
Không nên cho khai thác cao tốc khi chưa hoàn thiện
Các chuyên gia Hội Cầu đường TP Đà Nẵng có chung quan điểm, ngoài những sự cố hư hỏng mà báo chí phản ánh, trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Cụ thể, theo quy định bắt buộc (Tiêu chuẩn Việt Nam) cao tốc phải được hoàn thành công trình chính và phụ mới được khai thác. Tuy nhiên, hiện nay ở dự án này vẫn còn hàng chục mét chưa thi công lớp lưới ngăn thú và vật nuôi. Tại các đoạn đi qua đồi núi, hệ thống taluy chưa hoàn thành. Các khu đường gom, đường dân sinh và lối dẫn nhập làn vẫn còn ngổn ngang.
"Những hạn chế này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trên cao tốc. Nếu chạy với vận tốc 120 km/h, khi gặp chướng ngại vật, cả người và xe sẽ lật nhào chứ không tránh được", ông Dân nhận định.
Công nhân sửa cao tốc. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Lúc 0h sáng nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tạm dừng thu phí đối với các phương tiện lưu thông trên cao tốc.
Kỹ sư Trần Dân cho rằng không thu phí nhưng phương tiện vẫn lưu thông thì việc sửa chữa hư hỏng gặp khó khăn hơn chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Ông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phải đóng cửa cao tốc và chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng, các đơn vị chuyên môn vào cuộc để kiểm tra toàn diện dự án này.
"Cao tốc hư hỏng là trách nhiệm của đơn vị thi công, cơ quan giám sát và Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án này chưa hoàn thành, chất lượng không đảm bảo theo thiết kế mà Bộ Giao thông Vận tải cho khai thác là quá nguy hiểm", ông Trần Dân chốt lại.