Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC), cho biết nhà thầu đang khắc phục các vị trí hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Chất lượng cao tốc chỉ đạt 6/10 điểm
Ông Thành cho biết thời gian qua báo chí phản ánh tình trạng hư hỏng cục bộ trên đoạn cao tốc Túy Loan - Tam Kỳ (Quảng Nam) là đúng. Theo nhận định ban đầu, những hư hỏng trên có thể do nguồn gốc vật liệu thảm ở một số mẻ không đảm bảo. Cùng với đó, tác động của lưu lượng xe lớn, trong đó có cả xe quá tải lưu thông dưới trời mưa.
"Ngoài ra, có thể phương tiện lưu thông trên tuyến bị vương vãi dầu hoặc trong quá trình thi công trước đây máy móc chảy dầu ra mặt đường, gây hư hỏng, xuất hiện 'ổ gà' như trên", ông Thành nói và cho biết cao tốc có thời gian bảo hành 24 tháng nên chi phí khắc phục sẽ do các nhà thầu chi trả.
Đại diện chủ đầu tư thừa nhận chất lượng cao tốc chỉ ở mức trung bình. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đại diện chủ đầu tư thừa nhận so với những công trình khác, chất lượng của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ ở mức trung bình. "Nếu chấm ở thang điểm 10, chất lượng dự án này chỉ được 6 điểm. Đây là đánh giá thẳng thắn dù tôi là trưởng ban quản lý dự án", ông Thành nói.
Vị này tự giới thiệu đã có kinh nghiệm 4 năm quản lý các tuyến cao tốc trên cả nước. Tuy nhiên, khi làm dự án này, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công. "Các dự án khác có mặt bằng sạch, nhà thầu chỉ vào làm nhưng ở đây vừa làm vừa phải chờ mặt bằng", ông Thành lý giải.
Nghi ngờ về chất lượng là có cơ sở
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có thời gian bảo hành 24 tháng. Đoạn Túy Loan - Tam Kỳ được đưa vào sử dụng từ ngày 2/8/2017 và nay xuất hiện nhiều "ổ gà", mặt đường xuống cấp.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành cầu đường, kỹ sư Mai Công Sơn (Đà Nẵng) cho biết: "Đoạn này đang còn thời hạn bảo hành mà đã hư hỏng thì dư luận nghi ngờ về chất lượng là có cơ sở".
Kỹ sư này cũng cho biết trong lĩnh vực xây dựng không có quy định nào đánh giá công trình đạt bao nhiêu điểm là tốt và bao nhiêu điểm là kém chất lượng. Tuy nhiên, mọi người đều lấy thang điểm 10 để tự quy ước với nhau về chất lượng công trình.
Tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã không hài lòng về chất lượng đường cao tốc này. Ảnh: Giáp Hồ. |
"Thông thường, các công trình giao thông khi nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng phải đạt tối thiểu 7/10. VEC thừa nhận chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ đạt 6/10 điểm là ở dưới mức tiệm cận. Cao tốc đang trong thời hạn bảo hành mà chỉ đạt mức điểm trên là có vấn đề", ông Sơn nhấn mạnh.
Kỹ sư Sơn không đồng ý với việc đại diện chủ đầu tư giải thích chất lượng cao tốc ở mức trung bình là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo ông, chất lượng công trình giao thông nói riêng và hạ tầng nói chung được kiểm soát chất lượng dựa trên các chỉ số kỹ thuật theo Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
Với đường cao tốc, việc lựa chọn thông số đầu vào rất chính xác và có phần dư do Tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng có nhiều hệ số an toàn cao. Câu chuyện mấu chốt là chủ đầu tư, nhà thầu có thi công đúng theo các yêu cầu của hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt hay không.
Việc giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Kỹ sư Sơn cho rằng nếu mặt bằng có sẵn, nhà thầu làm 1 km trong vòng một tháng. Còn không có mặt bằng, công nhân có thể kéo dài thời gian thi công lên 5 hoặc 6 tháng.
"Đại diện VEC nói chất lượng công trình chỉ đạt mức trung bình là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng thì khó thuyết phục", ông Sơn nói.
Chuyên gia này cho biết thêm, công trình cao tốc ở nước ta đang được thiết kế, thi công, nghiệm thu theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Tiêu chuẩn này tương đương với tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ nhưng hệ số an toàn cao hơn từ 1,2 đến 1,6 lần.
Sau thời gian ngắn đưa vào khai thác, trên cao tốc đã xuất hiện các vết hỏng. Ảnh: Giáp Hồ. |
"Do đó, lỗi hư hỏng không phải do thiết kế", ông Sơn nhận định và nêu quan điểm, nếu các cơ quan liên quan kiểm soát chất lượng thi công đúng theo tiêu chuẩn hiện hành (TCVN 9436:2012 - nền đường thi công và nghiệm thu; TCVN 8859:2011- móng cấp phối đá dăm, vật liệu thi công và nghiệm thu; TCVN 8819:2011 - mặt đường bê tông nhựa - thi công và nghiệm thu...) thì cao tốc sẽ không xuất hiện các "ổ gà, ổ trâu" như báo chí phản ánh.
Bộ Giao thông Vận tải cần sớm vào cuộc
PGS.TS Châu Tường Linh, Trưởng bộ môn Đường ôtô & Đường thành phố (Khoa Xây dựng Cầu đường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng), cho rằng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một tuyến đường quan trọng, nhưng mới khai thác mà xuất hiện "ổ gà" thì quá lạ.
Vì chưa ra hiện trường nên ông Linh từ chối nhận xét về chất lượng đối với dự án này. "Đây là công trình chưa hết thời hạn bảo hành nên đơn vị quản lý, thi công phải sửa chữa ngay. Nếu không được thì cơ quan chức năng kiểm định, kiểm toán sẽ làm việc", ông Linh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, cho biết các cơ quan chuyên môn cần đến hiện trường xem xét, để tìm nguyên nhân chính xác cho vụ việc.
"Sau khi xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến hư hỏng rồi mới khắc phục sẽ tốt hơn. Còn chắp vá như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế", ông Thọ góp ý.
Trao đổi với Zing.vn, kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho biết hôm nay (11/10) các thành viên của đơn vị sẽ đi thực tế tìm hiểu về những vết hư hỏng trên cao tốc.
Nhà thầu dùng bê tông nhựa chắp vá các vết hỏng. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Sau khi kiểm tra thực địa, các chuyên gia sẽ có đánh giá, nhận xét và góp ý đối với dự án này. Ông Trần Dân cho rằng tuyến cao tốc vừa đưa vào sử dụng mà đã xuất hiện "ổ gà" là khó chấp nhận. Nếu các vết hư hỏng này không được khắc phục kịp thời thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Theo kỹ sư Dân, chủ đầu tư nên tổ chức đoàn đi kiểm tra toàn tuyến, tìm nguyên nhân chính xác dẫn đến các vết hỏng để có cách khắc phục. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm vào cuộc để xem xét quá trình thi công cao tốc theo đúng quy định.