Để bổ sung khoản vốn lưu động và tài trợ cho các dự án khu dân cư đang xây dựng, tháng 12/2010, HĐQT của công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã quyết định thông qua phương án và kế hoạch chi tiết phát hành 400 tỷ đồng cổ phiếu chuyển đổi. Khi đó, tập đoàn này đã phát hành 136,5 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1 triệu đồng/đơn vị cho quỹ đầu tư VOF PE Holding 5 Limited, đáo hạn ngày 9/12/2012, với 2 lựa chọn: chuyển thành cổ phiếu hoặc nhận lãi vào ngày đáo hạn.
Nếu chấp nhận chuyển trái phiếu thành cổ phần, lãi suất mà trái chủ được nhận là 0%, chấp nhận mức giá chuyển đổi thấp hơn 31.500 đồng hoặc giá trung bình trong 20 ngày liên tiếp đã được điều chỉnh. Ngược lại, trái chủ sẽ nhận khoản lãi 15%/năm và thanh toán một lần vào ngày đáo hạn, nếu không chấp nhận chuyển đổi.
Trong trường hợp công ty không đạt được mức lợi nhuận sau thuế trong 3 năm 2011, 2012 và 2013 theo cam kết với trái chủ, thì trái chủ có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn theo giá gốc cộng lãi suất 22%/năm. Như vậy, nếu tính theo mức lãi, giá trị khoản trái phiếu không được chuyển đổi của QCG có thể tăng giá trị lên gần gấp rưỡi, chưa tính đến chi phí phát sinh khi mua trái phiếu trước ngày đáo hạn.
Vào tháng 7/2012, QCG đã tiến hành chuyển đổi trái phiếu cho các trái chủ có nguyện vọng trở thành cổ đông của doanh nghiệp. Theo báo cáo tổng hợp chuyển đổi trái phiếu mà QCG cung cấp lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, chỉ có 30% trái chủ đồng ý chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu. Giá chuyển đổi khi đó của mỗi cổ phiếu là 10.524 đồng, còn tổng giá trị trái phiếu chuyển đổi thành công là 58,5 tỷ đồng.
So sánh với mức giá chuyển đổi 31.500 đồng/cổ phiếu vào thời điểm phát hành, trái chủ của QCG có lợi hơn khi nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn. Nhưng trước tình trạng doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, tồn kho lớn, giá cổ phiếu trồi sụt thất thường, chứng khoán của Quốc Cường Gia Lai đã thành món đầu tư "khó nuốt" trong mắt cổ đông.
Kết quả kinh doanh của QCG trong 3 năm trở lại đây cũng khiến cho mối lo của các trái chủ có căn cứ. Nếu như tại thời điểm năm 2010, khi doanh nghiệp này tung ra kế hoạch phát hành cổ phiếu, QCG đang lãi tới 360 tỷ đồng, và tăng vốn lên gấp 3 lần chỉ trong vòng một năm, nhưng đến năm 2011, thế cục đã xoay chuyển. Thị trường bất động sản đóng băng, QCG nhận "trái đắng" với hàng loạt dự án tồn đọng vì tắc đầu ra. Lợi nhuận năm đó của QCG âm 44 tỷ đồng, và cũng không được cải thiện nhiều trong những quý tiếp theo. Tính đến hết tháng 9/2013, lỗ lũy kế hợp nhất của QCG đã là 1,88 tỷ đồng.
Như vậy, nếu không thể chuyển đổi được số trái phiếu trị giá 78 tỷ đồng thành cổ phiếu, QCG có thể phải mất ít nhất 23,4 tỷ đồng để trả lãi cho trái chủ. Trong trường hợp không đạt được lợi nhuận mục tiêu như cam kết, số lãi mà doanh nghiệp này phải trả là 32,3 tỷ đồng, bằng cả doanh thu bán hàng suốt quý III/2013 của doanh nghiệp.