Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quả bầu - 'vật cứu tinh' của các tộc người tại Đông Nam Á

Tại sao đối với người dân Đông Nam Á, quả bầu lại trở thành một biểu tượng giúp họ vượt qua nạn Đại Hồng Thủy trong lịch sử mà không phải con thuyền như Noah hay "vật nổi" khác.

Tranh vẽ "Chuyện quả bầu" trong Sách giáo khoa Tiếng Việt 2.

Nạn hồng thủy (Deluge trong tiếng Anh, Hong Shui trong tiếng Hán...) là một huyền thoại phổ biến ở nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trên thế giới đề cập đến một trận lụt hủy diệt. Sau khi trận lụt rút đi chỉ còn lại một vài sinh linh sống sót theo sự sắp đặt của Thượng đế, từ đó mang đến sự hồi sinh của thế giới. Tương tự những quan điểm về Ngày tận thế (Doomdays), huyền thoại về nạn hồng thủy có sức sống mãnh liệt trong văn hóa nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam và Đông Nam Á, Nạn hồng thủy được xem như một huyền thoại tái sinh của nhân loại với “vật cứu tinh” là một quả bầu đã giúp họ thoát khỏi trận lụt khủng khiếp. Quả bầu trong văn hóa các tộc người Việt Nam ở Đông Nam Á cũng được xem như một biểu tượng cội nguồn của sự hình thành các tộc người trong khu vực này.

Để tìm hiểu căn nguyên vì sao motif quả bầu lại phổ biến ở mức độ rộng khắp Đông Nam Á như vậy, chúng ta cần tìm hiểu chức năng của quả bầu thông qua góc nhìn chức năng luận. Theo đó, quả bầu trong nền văn minh thực vật ở Đông Nam Á nổi bật với ba chức năng sau:

  • Vật nổi
  • Thức ăn giàu dinh dưỡng
  • Thực phẩm tích trữ

Đây là những chức năng quan trọng gắn với một loài thực vật mang những đặc trưng địa lý nhân văn và cả những đặc trưng của tiểu vùng khí hậu Đông Nam Á nơi hiện tượng gió mùa (monsoon) và lũ lụt xảy ra thường niên.

Có thể thấy, Đông Nam Á là lưu vực của một trong những con sông lớn nhất thế giới - Mekong - nơi sản xuất gạo đứng đầu thế giới. Đây cũng là nơi tập hợp những vùng đồng bằng châu thổ nhỏ hơn của nhiều con sông có độ dốc cao như Irrawaddy (Myanmar), sông Hồng (Việt Nam), sông Chao Phraya (Thái Lan)... vì độ dốc cao này mà hiện tượng lũ lụt là một trong những mối lo thường trực của cư dân khu vực Đông Nam Á mà đại đa số là những cư dân nông nghiệp.

Ở Việt Nam, hệ thống đê sông Hồng được xây đắp trong hàng nghìn năm qua được xem như công trình thủy lợi vĩ đại nhất của người Việt. Trong một bối cảnh địa lý và khí hậu đặc thù như vậy, các cư dân Đông Nam Á cần phải tự thích nghi để tồn tại. Bên cạnh chức năng làm thức ăn thì quả bầu trở thành một chiếc phao cứu sinh hay một “công cụ” trong giao thông thủy vô cùng tiện lợi đã được ghi chép lại trong sử sách (Kinh Thi, Trang Tử, Quốc Ngữ).

Sự thích nghi với lũ lụt đã khiến cho kỹ năng sinh tồn của cư dân Đông Nam Á tự hoàn thiện theo thời gian. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất đó là thích nghi với lũ lụt - đây cũng là căn nguyên ra đời câu thành ngữ: Sống chung với lũ - ngụ ý phải chấp nhận thực tế khó thay đổi. Trong bối cảnh đó, cùng với những con thuyền gỗ hay thuyền nan của các ngư dân thì một quả bầu rỗng để làm một chiếc phao trong mùa mưa lũ dường như là một lựa chọn hợp lý nhất để sinh tồn của mọi người dân bình thường khi chưa có các vật dụng tiện ích như chúng ta thấy ngày hôm nay. Rất có thể, kỹ năng sinh tồn này được nhiều người sử dụng nên vật nổi - quả bầu giống như một chiếc phao cứu sinh trở thành một vật dụng thiết yếu cho đa số người dân.

Bên cạnh chức năng vật nổi thì quả bầu chính là một loại thức ăn phù hợp nhất cho mùa mưa bão vì nó có thể đáp ứng được cho số đông người dân. Quả bầu dễ trồng và dễ thích nghi được cho số đông người dân. Quả bầu dễ trồng và dễ thích nghi với các địa hình phức tạp nên mọi người dân đều có thể tự trồng, tự thu hoạch và tự bảo quản. Đây chính là điểm quan trọng để quả bầu được xem như một loại thực phẩm đắc dụng của mọi người dân trong những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là “cứu đói” trong mùa mưa lũ. Ngoài đặc tính dễ trồng, dễ sử dụng và dễ vận chuyển thì một trong những ưu điểm lớn nhất của loại thực phẩm này là dễ tích trữ vì đặc tính tươi lâu và giàu dinh dưỡng nên quả bầu trở thành loại thức ăn không thể thiếu trong bối cảnh khí hậu vùng Đông Nam Á. Như vậy, với các chức năng nổi bật của một vật nổi được và là một trong những loại thực phẩm đắc dụng nhất của địa phương, quả bầu trở thành một phần không thể thiếu của cư dân Đông Nam Á trong điều kiện, hoàn cảnh của cư dân khu vực này.

Đinh Hồng Hải

NXB Thế giới

SÁCH HAY