World Cup 2022 từng được cho là màn trình diễn của Qatar - quốc gia vốn là cường quốc kinh tế, bước lên trường quốc tế với tư cách là bên tham gia văn hóa và chính trị hợp pháp. Dẫu vậy, kỳ vọng này đi ngược hướng hoàn toàn.
Cho đến nay, tất cả gì Qatar nhận được chỉ là sự chú ý về cách nước này đối xử với lao động nhập cư, phụ nữ và cộng đồng LGBTQ+. Mọi thứ trong lễ khai mạc hôm 20/11 mang đến cảm giác vui vẻ một cách gượng ép, theo tác giả Nesrine Malik của Guardian.
Đây được coi là lần hiếm hoi vấn đề nhân quyền tác động lớn tới công chúng. Nhiều người thất vọng về cách Qatar nhận được quyền đăng cai giải đấu. Điều này giống như tiền bạc có thể “uốn nắn” thế giới theo ý muốn, khi sự kiện được phép tổ chức vào mùa đông - giữa mùa bóng đá châu Âu - cũng như bóc lột sức lao động giá rẻ để xây dựng cơ sở vật chất.
Dẫu vậy, bà Malik cho rằng phương Tây nên "lần theo dấu vết" của những giao dịch giữa các nước này với Qatar, trước khi lên tiếng kêu gọi tẩy chay World Cup 2022.
Trong khi đó, tác giả Chandran Nair trên tờ South China Morning Post cũng cho rằng lời kêu gọi tẩy chay giải đấu từ phương Tây là "đạo đức giả", khi các nước này đang áp đặt tiêu chuẩn của mình lên phần còn lại của thế giới.
World Cup chỉ một tháng, nhưng liên minh chính trị là mãi mãi
Trước giờ bóng lăn, World Cup Qatar 2022 liên tục dính bê bối.
Đại sứ World Cup Khalid Salman công khai khẳng định đồng tính là điều bất hợp pháp và bị cấm tại Qatar. "Tôi không phải là người Hồi giáo hà khắc nhưng vì sao điều đó (đồng tính) bị cấm ư? Bởi đó là sự khuyết tật trong nhận thức", ông Salman trả lời hãng thông tấn Đức ZDF.
Những phóng viên đài TV2 của Đan Mạch đã bị các nhân viên an ninh Qatar ngăn cản khi tác nghiệp nơi công cộng. Sau đó, ban tổ chức World Cup 2022 đã phải xin lỗi vì "can thiệp nhầm".
Một số cầu thủ bóng đá nổi tiếng, như cựu cầu thủ Bayern Munich Philipp Lahm, nói sẽ không tham dự World Cup 2022, trong khi Đội trưởng Tuyển Bóng đá Quốc gia Anh Leah Williamson nói cô “không có bất cứ hứng thú nào” trong giải đấu này.
Các thành phố lớn tại châu Âu bao gồm Barcelona và Paris không phát sóng trận đấu ở nơi công cộng. Trong khi đó, David Beckham chịu áp lực lớn để rút khỏi vai trò đại sứ World Cup ở Qatar.
Dẫu vậy, bà Malik cho rằng điểm trọng tâm đang đi chệch hướng: Sự chú ý tập trung vào hành động của các nhân vật thể thao, cầu thủ, thậm chí là cả người xem dường như không đúng, khi Qatar xoay xở giành vị trí này bằng cách thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia lớn.
Qatar được trang bị nhiều vũ khí từ Vương quốc Anh, châu Âu và Mỹ, đồng thời là liên doanh trong các giao dịch tài chính - bất động sản trên đất châu Âu. Kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup, nước này đã được Anh cấp giấy phép mua vũ khí trị giá hàng tỷ USD, gồm cả thiết bị giám sát tinh vi.
Doha có mối quan hệ đặc biệt với London nói riêng. Trước thềm World Cup, giá trị quà tặng của Qatar cho các nghị sĩ Anh lớn hơn số tiền mà 15 quốc gia khác cộng lại. Nghị sĩ đảng Bảo thủ David Mundell - bộ trưởng nội các công khai đồng tính đầu tiên - chấp nhận khoản “hiếu khách” trị giá 7.473 bảng từ Qatar.
Sau đó, trong cuộc tranh luận tại quốc hội Anh về quyền LGBTQ+ ở Qatar, ông Mundell nói những ai chỉ trích Qatar nên “tập trung sức lực xử lý các vấn đề về LGBT trong bóng đá chuyên nghiệp ở Vương quốc Anh”.
Do đó, Qatar không phải là quốc gia pariah (quốc gia bị bài xích). Đất nước này tồn tại trong hệ thống chính trị toàn cầu, với các nhà tài trợ phương Tây liên minh sâu sắc với các chế độ quân chủ vùng Vịnh.
Qatar có nền tảng vững chắc với nguồn năng lượng giàu có, sản lượng khí đốt xuất khẩu khắp thế giới, gồm cả châu Âu, và củng cố sức mạnh mềm bằng cách đầu tư chiến lược nhằm tạo ra các liên kết địa chính trị trong và với phương Tây.
Chính sức mạnh của những liên kết đã đẩy trách nhiệm sang phía các cầu thủ bóng đá, huấn luyện viên và ban tổ chức. Đây là những người phải trả lời câu hỏi khó, đưa ra quyết định về việc tham dự, mặc trang phục nào, những gì nên nói và không nên nói.
Lễ khai mạc World Cup 2022 ở Qatar hôm 20/11. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, thông điệp từ giới chính trị đã quá rõ.
“Chúng ta không nên chính trị hóa thể thao”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói tuần trước. Theo tác giả Malik, điều ông Macron thực sự muốn nói là Qatar cùng phe với các “ông lớn”. Do đó, thật khó để tẩy chay hay phản đối khi nước này nhận được sự “bảo kê” lớn đến như vậy.
Không chỉ vậy, bà cũng đặt câu hỏi về việc bản thân thiết lập các bài kiểm tra đạo đức, khi nỗ lực này bị thỏa hiệp với chính phủ, cũng như góc nhìn bị phủ bởi định kiến và tiêu chuẩn kép.
Do đó, tác giả trên tờ Guardian cho rằng nếu mục đích là nhằm thể hiện chính kiến, thì việc tẩy chay giải đấu là đúng đắn. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn tốt cho lao động nhập cư, cộng đồng LGBTQ+ và phụ nữ ở Qatar, nhiều người nên để mắt tới chính quốc gia của họ trước.
Qatar và các chế độ phi dân chủ giàu có khác trên khắp thế giới được trao quyền ở Anh. Các nước này cũng dần mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu nhờ hệ thống nghị viện cởi mở cho vận động hành lang, ngành công nghiệp vũ khí béo bở và lĩnh vực bất động sản hướng đến giới thượng lưu giàu có trên toàn cầu.
Bà Malik cho rằng Qatar có thể không ngờ họ bị giám sát sít sao tới vậy trong thời gian chuẩn bị cho World Cup, nhưng có một tính toán mà họ chắc chắn đã đúng: Sự tức giận và chú ý sẽ tan biến, khi trái bóng lăn sẽ át đi những tiếng bàn tán xung quanh. Và World Cup chỉ kéo dài một tháng, nhưng liên minh chính trị thì kéo dài mãi mãi.
"Ngưng áp tiêu chuẩn đạo đức của phương Tây"
Với tác giả Chandran Nair, "đạo đức giả" của phương Tây nằm ở điểm những lời chỉ trích của họ không phải là về phúc lợi người lao động hay quyền cộng đồng LGBTQ.
Thay vào đó, ông cho rằng đây là cơ hội để phương Tây làm mất uy tín các quốc gia khác nhằm khẳng định vị thế đạo đức của chính họ, cho phép họ duy trì địa vị với tư cách là người ra quyết định toàn cầu và là trọng tài phân xử đúng sai.
Bốn kỳ World Cup liên tiếp được trao cho các quốc gia không thuộc phương Tây - Nam Phi, Brazil, Nga và giờ là Qatar. Điều này chưa từng xảy ra trước đây, và khiến chính trị gia, truyền thông, công chúng và loạt chủ thể kinh tế ở phương Tây "khó chịu", theo tác giả Nair.
Ông khẳng định sau Qatar 2022, thế giới sẽ chứng kiến chính trị gia và truyền thông phương Tây im ắng hơn nhiều, khi kỳ Olympic 2024 đăng cai ở Pháp, và World Cup 2026 do Mỹ đồng tổ chức.
Tuy vậy, ông chỉ ra những vụ việc ở các quốc gia này sẽ không được đề cập, ví dụ như tình hình tồi tệ ở các trại di cư ở biên giới Mexico, hay nhà tù Vịnh Guantanamo của Mỹ.
World Cup Qatar 2022 được cho là giải đấu gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Ảnh: Reuters. |
Các chủ đề vi phạm nhân quyền, phân biệt chủng tộc và tự do ngôn luận luôn được chú ý mỗi khi một sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại quốc gia không thuộc phương Tây.
Ông không phủ nhận việc này là cơ hội để các quốc gia cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, nhưng cần xây dựng dựa trên các kênh sẵn có và ngoại giao trên tinh thần hợp tác với tư cách là cộng đồng quốc tế, thay vì áp đặt các tiêu chuẩn của phương Tây lên họ.
Cáo buộc "phương Tây đạo đức giả" cũng được Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhắc tới. Theo Al Jazeera, vài giờ trước giờ bóng lăn, ông nói phương Tây không có tư cách "giảng đạo đức" cho những quốc gia khác.
Ông cho rằng phương Tây cần nhìn về tội ác trong quá khứ, trước khi chĩa mũi dùi về Qatar. Không chỉ vậy, ông cũng đặt câu hỏi "có bao nhiêu trong số những công ty kinh doanh châu Âu và phương Tây - nhưng người kiếm hàng núi tiền từ Qatar và loạt nước khác trong khu vực - giải quyết quyền của người lao động nhập cư với chính quyền".
"Không ai cả", ông nói, nhấn mạnh "bài học đạo đức một chiều chỉ là đạo đức giả".
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...