Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm giám đốc điều hành Qatar Energy, Saad al-Kaabi. Ảnh: Reuters. |
Ông Saad al-Kaabi đã nói chuyện với giới truyền thông vào ngày 29/11 và cho biết Qatar sẽ cung cấp tới 2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng năm cho Đức trong ít nhất 15 năm, bắt đầu từ năm 2026, AFP đưa tin.
Ông nói thêm rằng nguồn cung sẽ chảy từ Ras Laffan đến Bắc Đức. Ông al-Kaabi cho biết Đức sẽ nhận LNG thông qua nhà ga Brunsbuettel LNG,theo Gulf News.
Tuyên bố mới được đưa khi nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang phải vật lộn để tìm kiếm nguồn cung thay thế sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho biết với thỏa thuận này, Qatar đặt mục tiêu "đóng góp vào nỗ lực hỗ trợ an ninh năng lượng ở Đức và châu Âu".
Qatar đã đồng ý thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn với Đức. Ảnh: Shutterstock. |
Trước đó, hôm 21/11, Qatar Energy và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc cũng đã ký một thỏa thuận mua bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kéo dài 27 năm. Đây được đánh giá là thương vụ dài nhất trong lịch sử.
Theo hợp đồng trị giá 60 tỷ USD, công ty năng lượng Qatar sẽ cung cấp LNG cho Sinopec của Trung Quốc đến năm 2050.
Hãng Chinanews của Trung Quốc dẫn thỏa thuận cho hay mỗi năm, Qatar Energy sẽ cung cấp 4 triệu tấn khí đốt cho Sinopec. Thỏa thuận này là một phần quan trọng trong hợp tác giữa hai bên liên quan đến dự án mở rộng công suất của mỏ khí đốt phía bắc Qatar mang tên North Field.
"Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật"
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật" của nhóm tác giả Đỗ Đức Định, Thái Văn Long, Trần Thị Lan Hương… được xuất bản năm 2012.
Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,... Bên cạnh đó, cuốn sách còn nêu tác động của những vấn đề chính trị - kinh tế nổi bật ở châu Phi - Trung Đông đối với Việt Nam và giải pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với hai khu vực này.