Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PVOIL và những trăn trở khi cổ phần hóa

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào sáng 26/4, PVOIL đã giải đáp nhiều thắc mắc của thành viên ban lãnh đạo, cũng như đưa ra chiến lược hoạt động năm 2019.

Trước thời điểm tổ chức đại hội, Hội đồng quản trị và Ban điều hành PVOIL đã có buổi gặp mặt các nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến đã được nêu ra và phân tích, đánh giá.

Cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án tối ưu

Theo phương án cổ phần hóa PVOIL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ nắm giữ 35,1% vốn điều lệ tại PVOIL, 20% vốn điều lệ bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược 44,72% vốn điều lệ. Tại phiên đấu giá IPO ngày 25/1/2018, PVOIL đã chào bán thành công hơn 206 triệu cổ phần với giá đấu bình quân là 20.196 đồng/cổ phần.

PVOIL cũng như các nhà đầu tư và cổ đông đều mong muốn hoàn thành việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt.

Pvoil anh 1
Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào sáng 26/4.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư chiến lược đều cần có thêm thời gian để thẩm định, đàm phán các điều khoản hợp đồng, vì đây là thương vụ mua cổ phần rất lớn với giá trị lên đến 450 triệu USD. Trên cơ sở cam kết của một số nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng đặt cọc để mua cổ phần sau khi thẩm định đầu tư, PVOIL đã báo cáo Chính phủ xin phép gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thêm 3 tháng (đến hết tháng 7/2018) nhưng không được chấp thuận.

Ngay sau đó, PVOIL đã hoàn thành các thủ tục để tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào ngày 30/7/2018 và chỉ 2 ngày sau đó (1/8/2018), PVOIL đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 nhiều biến động

Theo số liệu báo cáo tài chính đã được kiểm toán, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5 tháng cuối năm 2018 của CTCP PVOIL đạt 83 tỷ đồng, chỉ bằng 64% kế hoạch (130 tỷ đồng).

Ông Cao Hoài Dương - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PVOIL, chia sẻ: “Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của CTCP thấp là điều chúng tôi canh cánh”. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm gần 50% giá dầu trong quý 4/2018 (phần lớn giai đoạn PVOIL hoạt động theo mô hình CTCP) đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận 5 tháng của CTCP. Lợi nhuận hợp nhất quý 4 giảm còn 46 tỷ đồng so với mức lãi 208,175 và 160 tỷ đồng thực hiện được của 3 quý trước.

Pvoil anh 2
Tại sự kiện, đại diện ban lãnh đạo công ty đã giải đáp thắc mắc từ cổ đông và nhà đầu tư.

Ngoài ra, lợi nhuận 5 tháng của CTCP còn chịu ảnh hưởng bởi các khoản xử lý tài chính khi chuyển từ Công ty TNHH một thành viên sang CTCP theo quy định của Nhà nước về cổ phần hóa. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của CTCP bị giảm 87 tỷ đồng (còn 83 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế công ty mẹ của CTCP bị giảm 261 tỷ đồng (thành lỗ 187 tỷ đồng) do phải trích lập lại các khoản dự phòng đầu tư tài chính và nợ phải thu khó đòi. Nếu không tính ảnh hưởng của khoản trích lập dự phòng này thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất và công ty mẹ của CTCP đều hoàn thành kế hoạch đã được ĐHĐCĐ lần thứ nhất thông qua.

Tiếp tục công tác thoái vốn Nhà nước xuống dưới chi phối

Tại buổi gặp mặt, nhiều nhà đầu tư đã so sánh các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVOIL năm 2019 với thông tin PVOIL đã công bố khi tiến hành IPO.

Đại diện doanh nghiệp cho biết kế hoạch phát triển sau cổ phần hóa của PVOIL nêu trong cáo bạch trước đây được xây dựng dựa trên giả định tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm xuống còn 35,1% và PVOIL có được cổ đông chiến lược phù hợp.

Cơ cấu sở hữu mới này được kỳ vọng đem lại cho doanh nghiệp sự linh hoạt và tự chủ hơn trong việc ra quyết định kinh doanh đầu tư, cũng như có được sự hỗ trợ quan trọng của cổ đông chiến lược trong việc mở rộng thị trường, phát triển hệ thống bán lẻ, dịch vụ giá trị gia tăng phi xăng dầu tại các cây xăng… Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ đông chiến lược đã không diễn ra như kế hoạch.

Điều này làm thay đổi cơ bản các giả định về hoạt động của PVOIL sau cổ phần hóa. Hiện tại, PVOIL vẫn hoạt động với các cơ chế như đối với công ty Nhà nước. Chính vì vậy, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 đã được ban lãnh đạo PVOIL xây dựng lại, căn cứ vào điều kiện thực tế, có những điểm khác biệt so với bản cáo bạch thông tin.

Trong giai đoạn 2019-2020, bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, PVOIL sẽ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai công tác thoái vốn Nhà nước xuống dưới chi phối. PVOIL đã trình lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “Phương án thoái vốn Nhà nước tại PVOIL”. Theo đó, PVOIL đề xuất phương án thoái vốn theo lô với mục tiêu lựa chọn được cổ đông lớn đủ tầm vóc, năng lực và kinh nghiệm đồng hành cùng PVOIL phát triển đột phá sau cổ phần hóa.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm