Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PVOIL mở thêm trạm sạc VinFast, mua lại các cây xăng nhỏ

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đặt mục tiêu kinh doanh khá thận trọng cho năm 2023, nhưng kế hoạch đầu tư lớn cho mở rộng các trạm sạc xe điện và M&A các cửa hàng xăng dầu nhỏ.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL - Mã: OIL), Chủ tịch HĐQT Cao Hoài Dương cho biết thế giới đang chứng kiến làn sóng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, điển hình như sự phát triển của xe điện.

"Chúng tôi cho rằng đây là xu hướng không thể đảo ngược, mang tính tất yếu", ông Dương nói về xu hướng sẽ có tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Hợp tác với VinFast

Do đó, thay vì bị động ngồi chờ, lãnh đạo PVOIL nhấn mạnh sẽ luôn chủ động để biến những thách thức thành cơ hội khi từ năm 2018 đã rất quan tâm đến xu hướng này.

Năm 2022, PVOIL ký thoả thuận hợp tác với VinFast, một công ty sản xuất xe điện thuộc Tập đoàn Vingroup. Hợp đồng này cho phép VinFast đầu tư, xây dựng trạm sạc tại các cây xăng của PVOIL.

PV Oil,  co dong,  kinh doanh anh 1

Lãnh đạo PVOILtrả lời chất vấn của cổ đông. Ảnh: OIL.

Ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được chi trả lợi ích từ việc cho thuê diện tích, các biển quảng cáo từ cây xăng, chi phí vận hành trạm sạc và chia sẻ phần doanh thu từ trạm sạc.

Kết quả hợp tác đến nay có gần 300 cây xăng trên toàn quốc của doanh nghiệp này có các trạm sạc xe điện Vinfast. Doanh thu và lợi nhuận từ hợp tác này chiếm phần quan trọng trong lợi nhuận bán lẻ tại cây xăng.

"Với kế hoạch mở mới thêm 40-60 cây xăng mỗi năm, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để lắp trạm sạc điện. Việc này giúp khách hàng đi xe xăng hay điện đều được phục vụ", ông Dương nói.

Vinfast hiện là đơn vị sản xuất xe điện lớn tại Việt Nam và mới ra mắt taxi điện với số lượng khoảng 10.000 đầu xe tới cuối năm. Trung Quốc cũng có thị trường xe điện rất phát triển, điều này sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Vì thế, PVOIL đang theo sát diễn biến này, để làm sao tận dụng các cơ hội, có được lợi ích từ việc phát triển xe điện song song với lợi ích kinh doanh xăng dầu.

Với mảng bán lẻ xăng dầu, PVOIL cũng có kế hoạch mở rộng và mua bán sáp nhập cửa hàng xăng dầu để mở rộng mạng lưới, được nhiều cổ đông đồng thuận.

Tổng giám đốc Đoàn Văn Nhuộm cho biết bên cạnh việc mở mới cây xăng, vừa qua doanh nghiệp này đã mua lại hơn 30 cửa hàng xăng dầu của các đơn vị tư nhân bị thua lỗ để mở rộng mạng lưới kinh doanh trên cả nước.

"Chúng tôi đã mua lại những cửa hàng như vậy và sẽ tiếp tục mua nếu có cơ hội", vị CEO thẳng thắn nêu quan điểm.

Ông Nhuộm thông tin tin đã xin chủ trương từ công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủy quyền cho PVOIL được mua toàn bộ công ty nào có hệ thống cửa hàng xăng dầu mà họ muốn bán hoặc thoái vốn.

Năm ngoái doanh nghiệp này mở mới 54 cửa hàng xăng dầu và năm nay dự kiến mở thêm 58 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 700 địa điểm.

Niêm yết cổ phiếu

Một vấn đề khác được cổ đông chất vấn nhiều là việc cổ phiếu OIL bị đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính năm có ý kiến ngoại trừ, cũng như lộ trình về niêm yết cổ phiếu.

Ông Cao Hoài Dương cho hay cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo do những vấn đề tồn tại trước khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.. Việc này không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh hiện tại, cũng như tồn tại và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

CHỈ TIÊU KINH DOANH CỦA PV Oil

NhãnNăm 2019Năm 2020Năm 2021Năm 2022KH 2023
Doanh thu Tỷ đồng 79861500285783610421450000
Lãi sau thuế Tỷ đồng 347-166773723400

Còn câu chuyện niêm yết, Thành viên HĐQT Lê Văn Nghĩa thông tin cổ phiếu vẫn còn cần đáp ứng ba điều kiện mới có thể chuyển sàn giao dịch.

Thứ nhất là hệ số ROE năm gần nhất đạt 5% trở lên. Thứ hai là hết lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính hợp nhất. Cuối cùng là báo cáo tài chính không còn ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định cố gắng hoàn thành và khắc phục 3 điều kiện trên để sớm đưa OIL chuyển niêm yết trên sàn HoSE.

Năm 2023, PVOIL đặt mục tiêu 50.000 tỷ đồng doanh thu (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 52% và 34% so với cùng kỳ.

Chủ tịch HĐQT Cao Hoài Dương nhận định năm 2023 là là giai đoạn khó khăn để tăng trưởng sản lượng như năm ngoái, bởi sản lượng cung - cầu xăng dầu đã dần ổn định sau dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine.

PVOIL cũng xác định việc tăng trưởng sản lượng là rất tốt, rất quan trọng nhưng đi đôi với tăng trưởng sản lượng là đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổng công ty đưa ra kế hoạch sản lượng tương đối thận trọng để bảo toàn vốn nhưng cam kết nếu có cơ hội sẽ gia tăng sản lượng.

Doanh nghiệp còn đối mặt với áp lực các nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến bảo dưỡng trong năm nay, qua đó có thể làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo nguồn.

CEO Đoàn Văn Nhuộm thông tin nhà máy Nghi Sơn thì dự kiến bảo dưỡng vào tháng 8/2023 sẽ dừng khoảng 1 tháng, còn nhà máy Bình Sơn sẽ không bảo dưỡng trong năm nay mà lùi sang quý I/2024. Do đó, PVOIL sẽ phải chủ động lấy nguồn cung từ Bình Sơn về để đảm bảo cung cấp được cho hệ thống.

Tổng công ty đặt kế hoạch kinh doanh 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu nhưng đến hết quý I đã đạt hơn 1,1 triệu m3/tấn. Vì thế, PVOIL phấn đấu sản lượng năm nay tương đương so với năm 2022 là trên 4 triệu m3/tấn xăng dầu.

PV Oil lần đầu thu hơn 100.000 tỷ đồng/năm

Năm 2022 là năm đầu tiên nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai trong nước - PV Oil - ghi nhận doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng, tuy nhiên, lãi trước thuế công ty lại giảm 18%.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm