2022 là năm đầu tiên PV Oil ghi nhận doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại sụt giảm do thị trường biến động. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo báo cáo sơ kết kết quả kinh doanh năm 2022, lãnh đạo Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (OIL) - cho biết năm 2022, tổng công ty đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về sản lượng kinh doanh với 4 triệu m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 127% kế hoạch năm và tăng 27% so với sản lượng tiêu thụ năm 2021.
Với sản lượng tiêu thụ kỷ lục này, nhà bán lẻ xăng dầu chiếm thị phần số hai thị trường trong nước đã có năm đầu tiên ghi nhận doanh thu hợp nhất vượt mốc 100.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch cả năm.
So với năm liền trước, mức doanh thu này của PV Oil cũng đã tăng xấp xỉ 73%. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao hồi đầu năm cũng như những biến động thị trường trong nước và quốc tế khiến lãi trước thuế hợp nhất nhà bán lẻ này thu về năm qua chỉ đạt 763 tỷ đồng, giảm tương ứng 18%. So với kế hoạch năm, mức lợi nhuận này vẫn cao hơn gấp rưỡi.
Với kết quả kinh doanh kể trên, tính riêng quý IV, doanh thu của PV Oil đạt 20.375 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 147 tỷ đồng. Dù đã có lãi trở lại sau khoản lỗ 371 tỷ đồng quý III liền trước, mức lãi trước thuế quý IV năm nay của PV Oil vẫn giảm 54% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu quý suy giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp.
Thực tế, kết quả kinh doanh của PV Oil nói riêng và các nhà bán lẻ xăng dầu trong nước nói chung đã được giới chuyên gia dự báo gặp nhiều biến động trong năm nay.
PV OIL CÓ LÃI TRỞ LẠI TRONG QUÝ IV/2022 | |||||||||||||
Nhãn | Quý I/2020 | II | III | IV | Quý I/2021 | II | III | IV | Quý I/2022 | II | III | IV | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | -531 | 223 | 1.1 | 181 | 207 | 327 | 80 | 318 | 353 | 620 | -371 | 147 |
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng 2022 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn.
Trong đó, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.
Kết quả là các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex, PV Oil phải tăng nguồn xăng dầu nhập khẩu để đảm bảo nguồn hàng xăng dầu cho thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới diễn biến không thuận lợi và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng lợi nhuận các nhà bán lẻ xăng dầu này sẽ phục hồi mạnh từ năm 2023 do mức nền so sánh thấp của năm nay.
Trong đó, các yếu tố hỗ trợ quan điểm này là giá dầu thế giới dự kiến diễn biến ổn định hơn trong năm 2023, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều này có thể là tiền đề để nhà máy hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11 cũng là yếu tố hỗ trợ chi phí cho các nhà bán lẻ trong nước. Sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép 5,5% trong giai đoạn 2022-2030, sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới.
Đáng chú ý, hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường trong nước là Petrolimex và PV Oil cũng được kỳ vọng có thêm thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác sau đợt biến động này. Đây là trợ lực giúp PV Oil ghi nhận thêm doanh thu và lợi nhuận trong các năm sau.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...