PVN nhận cổ tức hơn 1 tỷ USD năm 2012
Do góp vốn tại khá nhiều doanh nghiệp, trong năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được nhận tổng mức cổ tức 22.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh quý I/201 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong tập đoàn đạt 178.700 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu riêng của tập đoàn là 82.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 13.300 tỷ đồng.
Về mức cổ tức được nhận năm 2012, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết tập đoàn được hưởng theo đúng quy định và theo tỷ lệ vốn sở hữu, khoảng 22.500 tỷ đồng.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh xăng dầu của PV Oil, người đứng đầu Hội đồng thành viên PVN cho hay công ty lỗ khoảng 162 tỷ đồng. Nguyên nhân là chênh lệch giá bán và giá cơ sở trước đợt điều chỉnh giá ngày 28/3 vừa qua là khoảng trên dưới 180 đến 190 đồng, khiến kinh doanh xăng dầu chịu mức thua lỗ cao.
PV Oil lỗ tới 162 tỷ đồng trong kinh doanh xăng dầu. |
Đại diện PVN cũng cho biết, đến trước năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn nợ PVN khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là số nợ gốc, chưa tính lãi. Tuy nhiên, số nợ này đã được khoanh, chờ phương án xử lý, và không loại trừ sẽ phát hành trái phiếu. "Trong năm 2012, EVN đã thanh toán đầy đủ tiền điện, tuy một số lần có trả chậm nhưng vẫn đúng theo hợp đồng", ông Thực nói.
Riêng về tiến độ dự án khai thác dầu của Petro Vietnam tại Venezuela, lãnh đạo của Tập đoàn cho hay, việc khai thác đang vấp phải khá nhiều khó khăn, do môi trường kinh tế, xã hội, chính trị không thuận lợi của đất nước Mỹ Latinh này. Theo đó, ngoài các yếu tố đã tiên lượng từ trước là khoảng cách về địa lý, sản phẩm đặc thù (dầu nặng), quá trình khai thác cũng xuất hiện nhiều khó khăn mới như lạm phát lớn, chênh lệch tỷ giá cao và phải dùng chung hạ tầng với các đối tác nước ngoài khác.
Ông Thực cho biết, lạm phát của Venezuela thường ở mức cao, từ 25- 33%, chênh lệch tỷ giá ấn định của Chính phủ với giá chợ đen khoảng 4 lần. Trong khu vực khai thác, ngoài Việt Nam, còn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác như Mỹ, Nga..., nhưng hạ tầng lại thiếu thốn, đường ống, đường giao thông đều phải dùng chung. "Mỗi lần muốn sử dụng, các bên lại phải ngồi bàn. Điều đó cũng tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ... Tuy có nhiều khó khăn như thế, nhưng không có nhà đầu tư nào rút chân. Phía Việt Nam cũng hy vọng tình hình kinh tế, chính trị (nhất là sau cuộc bầu cử tới đây) của Venezuela sẽ sớm được cải thiện", vị này chia sẻ.
Chia sẻ về sự việc cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bất ngờ bị đưa vào diện kiểm soát, lãnh đạo PVN cho biết năm 2011, theo báo cáo kiểm toán, PVC lãi 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành rà soát và điều chỉnh hồi tố, đơn vị này lại lỗ 19 tỷ đồng. Theo quy định, thua lỗ 2 năm liên tiếp (2011 và 2012), cổ phiếu PVX của doanh nghiệp này đã chính thức bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 4/4.
Hiện nay, phía PVN đang thực hiện tái cấu trúc PVC, sẽ bỏ các dự án bất động sản mà tập trung vào các dự án trên bờ như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các công trình bờ thuộc ngành dầu khí để phục vụ các dự án lọc hóa dầu, xây dựng bể chứa... Phía PVN cũng sẽ hỗ trợ bằng việc tăng khối lượng công việc của PVC, sau đó sẽ cho doanh nghiệp phát triển theo hướng tổng công ty xây lắp.
Hạ Minh
Theo Infonet