Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PVN muốn ‘lột xác’, trình đề án xin một loạt cơ chế đặc thù

Tinh giản bộ máy, đẩy mạnh cổ phần hóa, xin cơ chế đặc thù là những vấn đề Tập đoàn dầu khí Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian tới, theo đề án vừa được gửi đến Bộ Công Thương.

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vừa gửi đề án tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2017-2025 đến Bộ Công Thương. Theo đề án, PVN dự kiến đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy và hoạt động kinh doanh. Giai đoạn 2017-2025, PVN sẽ đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn theo tỷ lệ quy định nắm giữ vốn Nhà nước tại các công ty thành viên, tập trung xử lý dự án thua lỗ.

Đẩy mạnh cổ phần hóa

Tập đoàn sẽ hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị, là Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVP) và Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil). PVN cũng sẽ cổ phần hoá Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) sớm nhất, có thể sau năm 2020.

PVN xin co che dac thu muon tai co cau anh 1
PVN muốn tái cơ cấu nhân sự và lĩnh vực kinh doanh. Ảnh: Tiến Tuấn.

Còn lĩnh vực điện sẽ thực hiện theo lộ trình sẽ thoái vốn sớm nhất có thể (đến hết năm 2025). Tập đoàn đồng thời cổ phần hóa triệt để các đơn vị dịch vụ dầu khí, ngoại trừ một số dịch vụ kỹ thuật dầu khí liên quan trực tiếp đến khâu thượng nguồn và an ninh quốc phòng.

Đề án thể hiện sau năm 2025, về cơ bản tập đoàn hoàn thành tái cơ cấu toàn diện, chỉ còn 3 lĩnh vực: thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí.

Đáng chú ý, với các đơn vị PVN nắm 100% vốn điều lệ sẽ giảm từ 5 xuống còn 2 đơn vị. Cụ thể, PVN chỉ giữ lại PVEP và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Sáp nhập phòng ban, nâng cao năng suất lao động

PVN cũng sẽ tập trung nâng cao năng suất lao động. Với 53.000 lao động (tính đến cuối năm 2016), năng suất chỉ đạt 500.000-600.000 USD/người/năm, thấp hơn các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới (bằng 50% Petronas, 10-20% PTT). Tập đoàn dầu khí định hướng sẽ tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối quản lý từ 23 ban xuống còn 13 ban, từ 3 văn phòng đại diện xuống còn 2.

Hàng loạt ban được sáp nhập như: Ban kế toán và kiểm toán sáp nhập với Ban tài chính. Ban Quản lý đấu thầu sáp nhập với ban thương mại thị trường; Ban hợp tác quốc tế sáp nhập với văn phòng; Ban An toàn sức khoẻ môi trường sáp nhập với Khoa học và công nghệ, Ban thanh tra sáp nhập với Ban pháp chế…

PVN xin co che dac thu muon tai co cau anh 2
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh thể hiện quyết tâm tái cơ cấu PVN.

Xin một loạt cơ chế đặc thù

Để thực hiện quá trình tái cơ cấu, PVN đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét và trình cấp thẩm quyền một loạt cơ chế đặc thù, như thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí trong nước, có tính đến ưu tiên các vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, các mỏ nhỏ, mỏ có điều kiện kinh tế cận biên…

PVN muốn xin Chính phủ cho hưởng một số quy định, như được giữ lại 32% lãi dầu khí nước chủ nhà từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xem xét bổ sung quy định tiền lãi dầu khí để lại cho PVN hàng năm không bao gồm nguồn kinh phí mà tập đoàn chi các nhiệm vụ đặc biệt; 100% lợi nhuận từ hoạt động hàng năm của liên danh Việt - Nga Vietsovpetro.

Tập đoàn cũng xin trích 17% doanh thu từ các dự án dầu khí trong nước để lập quỹ tìm kiếm thăm dò và cơ chế trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra, với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế…

Đối với lĩnh vực nhiên liệu sinh học, PVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp nghiên cứu quy hoạch phát triển,  nâng cao chất lượng đầu vào để ổn định nguồn nguyên liệu nhà máy, giảm bớt gánh nặng thu xếp, lãi vay vốn, chi phí lưu kho…

Tân Chủ tịch PVN đề xuất dùng tiền của tập đoàn cứu các dự án yếu kém

Tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đề xuất dùng tiền của tập đoàn để cứu một số dự án, với tư cách nhà đầu tư.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm