Trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến của việc PVN muốn mua lại phần vốn góp của Chevron tại Dự án Khí Lô B khi nhà đầu tư này rút lui, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc PVN cho hay, PVN vẫn đang rất quan tâm tới việc mua lại phần vốn góp của Chevron.
Vẫn theo ông Sơn, Chevron đã đàm phán với Tập đoàn Rosneft (Nga) việc bán cổ phần của mình trong Dự án Khí lô B. Chevron có quyền bán phần vốn góp của mình trong Dự án và Rosneft được chọn trên cơ sở đấu thầu. Hiện quá trình đàm phán gần như đã xong, chỉ còn một vài vướng mắc thương mại.
“Sau khi Chevron và Rosneft kết thúc đàm phán, thì PVN, với tư cách là một bên tham gia trong Hợp đồng phân chia sản phẩm này, có quyền được ưu tiên mua trước trên cơ sở các điều kiện thương mại đã được thống nhất và ký kết giữa Chevron và Rosneft. Ý định của PVN là mua toàn bộ cổ phần của Chevron, nếu không thì cũng mua được một phần nhất định”, ông Sơn nói.
Dự án Khí lô B và 48/95 được các đối tác gồm Mitsui Oil Exploration (Moeco), Chevron, Tổng công ty Thăm dò dầu khí Việt Nam (PVEP - thành viên của PVN) và công ty TNHH PTTEP Kim Long Việt Nam ký hợp đồng phát triển hồi tháng 7/2009. Trong đó, Moeco nắm 25,62%, Chevron nắm 42,38%, PVEP nắm 23,5%..
Dự án này được cho là có thể sản xuất đến 490 triệu m3 khí đốt và 6.000 - 7.000 thùng condensate mỗi ngày. Quy mô vốn đầu tư của Dự án ước tính lên tới 4,3 tỷ USD. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu khí đầu vào, đặc biệt là cho cụm nhà máy điện được lập kế hoạch đặt tại Ô Môn (Cần Thơ).
Ý định của PVN là mua toàn bộ cổ phần của Chevron, nếu không thì cũng mua được một phần nhất định. |
Tuy nhiên, sau nhiều năm đàm phán, các bên vẫn chưa thể thống nhất được giá mua bán khí để kết thúc quá trình đàm phán, bắt tay vào phát triển Dự án và Chevron đã quyết định ra đi. Hồi tháng 2/2014, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu PVN đàm phán với đối tác nước ngoài để giành quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp này.
Được biết, tháng 8/2014, khi trả lời Bloomberg, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã nhắc tới việc Rosneft đang đàm phán để mua cổ phần của Chevron tại một dự án khí đốt ở miền Nam Việt Nam, với con số khoảng 200 triệu USD. Như vậy, nếu muốn mua được toàn bộ phần vốn góp của Chevron tại Dự án Khí Lô B, PVN cũng không thể trả giá thấp hơn Rosneft cùng các điều kiện đi kèm đã được Rosneft và Chevron thỏa thuận.
Một dự án về khí đốt khác cũng đang thu hút được nhiều sự quan tâm là Dự án Cá Voi Xanh, với quy mô có thể lên tới nhiều chục tỷ USD cho cả dây chuyền khai thác khí - đường ống vào bờ - trung tâm nhiệt điện. Theo ông Nguyễn Văn Thập, Phó tổng giám đốc PVN, mỏ khí này nằm ở ngoài khơi, cách bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 80 - 85 km, sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Hiện tại, Dự án đang được triển khai đồng thời các vấn đề liên quan như khâu thẩm lượng để xác định trữ lượng của mỏ, chuẩn bị phát triển mỏ, các đàm phán liên quan đến giá bán khí cũng như các nhà máy điện dùng khí.
Mặc dù kỳ vọng Dự án sẽ tiến triển thuận lợi và có dòng khí đầu tiên vào bờ trong năm 2021 từ mỏ Cá Voi Xanh, nhưng PVN cũng nhận thức được rõ ràng các trở ngại để hiện thực hóa mục tiêu này. “Các dự án khí luôn khó khăn về thị trường, giá cả và bài học của các dự án khác đang được rút kinh nghiệm cho Dự án Cá Voi Xanh. PVN đã thành lập tổ công tác riêng cho dự án này và nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các cơ quan, địa phương có liên quan với mong muốn Dự án sớm được hiện thực”, ông Thập nói.
Lo ngại trên của PVN không phải là không có cơ sở, khi nhìn từ thực tế Dự án Khí Lô B với sự ra đi của Chevron sau gần 10 năm theo đuổi dự án này. Các quan chức của PVN từng thừa nhận, Khí Lô B là dự án có quy mô lớn, việc đàm phán với các đối tác rất khó khăn, nhất là về giá khí.
Được biết, PVN đã đặt lên bàn đàm phán các tính toán, nhưng vẫn không thống nhất được giá khí. Đối tác nước ngoài có kế hoạch khoan ở quy mô lớn, khiến giá khí giữa hai bên chênh nhau khá lớn và phía Việt Nam khó có thể chấp nhận được mức giá khí này. Được biết, mức chênh về giá khí cuối cùng trong đàm phán giữa 2 bên là khoảng 0,8 UScents/triệu BTU.