Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những doanh nghiệp nhà nước càng kinh doanh càng lỗ

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa “bêu' tên những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ khủng tới mức báo động đỏ, và danh sách các công ty kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu.

Càng kinh doanh càng lỗ, tiến tới âm vốn

Những DNNN càng kinh doanh càng lỗ “khủng” được Kiểm toán Nhà nước điểm mặt là: công ty mẹ Cienco 5 lỗ đầu tư tài chính 11,4 tỷ đồng; 5/50 công ty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng và 11/31 công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng, Ngoài ra, 7/24 công ty do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118,3 tỷ đồng; 3/8 công ty liên doanh, liên kết do Công ty mẹ Tổng Công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ và 5/24 công ty liên doanh, liên kết do Tổng công ty ô tô đầu tư thua lỗ.

Tiếp sau là danh sách các công ty kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu như 3/10 công ty thuộc Cienco 5 (âm 53,7 tỷ đồng); công ty Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Thuốc lá (âm 166,74 tỷ đồng). Tình trạng lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ/vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm hàng loạt các công ty liên doanh vốn Việt Nam và nước ngoài, thuộc ngành bất động sản, xây dựng và cả tài chính, với tỷ lệ lỗ gấp 1,3 đến 3 lần vốn chủ.

Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục kéo dài chuỗi ngày kinh doanh bết bát.
Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục kéo dài chuỗi ngày kinh doanh bết bát.

“Hiện DNNN bao gồm các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhận định.

Theo phân tích của ông Hải, DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. "Đây là một con số vô cùng khiêm tốn, chúng ta cần suy ngẫm”.

Nhiều chuyên gia kinh tế trên các diễn đàn cũng đã thẳng thắn cho rằng, xét về hiệu quả đầu tư, vai trò kinh tế của khu vực DNNN trong thời gian qua chưa cao và đang ngày càng suy giảm. Giai đoạn 2000 - 2006, khu vực kinh tế nhà nước đầu tư 7,2 đồng mới làm tăng được 1 đồng GDP, nhưng đến những năm 2007 - 2012 phải đầu tư tới 9,3 đồng mới làm tăng được 1 đồng.

Hơn nữa, hiệu quả sản xuất nhìn từ tỷ suất lợi nhuận trên vốn rất thấp và ngày càng giảm. Năm 2007, tỷ suất này của các DNNN khoảng 2,6%, nhưng đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 1%. Trong khi đó, tỷ lệ trả lãi vay bình quân cả trong và ngoài nước khoảng 4-5% nên nhiều DNNN khó có thể trả nợ. Điều này khiến áp lực nợ công ngày càng tăng.

Gốc rễ vấn đề ở đâu?

TS Lê Xuân Vệ (chuyên gia cố vấn đổi mới doanh nghiệp) đề xuất, nên thí điểm về người đại diện của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác phải có một tỷ lệ vốn sở hữu của bản thân mình tại doanh nghiệp đó. Tiêu chuẩn này sẽ thay đổi cơ bản về trách nhiệm và quyền hạn của người đại diện tại doanh nghiệp, từ đó hiệu quả của doanh nghiệp sẽ được nâng lên rõ rệt. Bởi lẽ, thứ nhất, đây chính là nghĩa vụ của người đại diện tại doanh nghiệp; thứ hai, có nghĩa vụ phải có trách nhiệm: tức là người đó phải làm sao cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; thứ ba là, người đại diện phải được hưởng quyền lợi: người đại diện phải được chia cổ tức tương ứng với tỷ lệ vốn của người đó góp vào doanh nghiệp.

OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) cũng đưa ra khuyến nghị, cho rằng Chính phủ cần có sự phân định rõ ràng giữa chức năng sở hữu và chức năng khác của Nhà nước có thể ảnh hưởng tới điều kiện hoạt động của DNNN, đặc biệt là chức năng điều tiết thị trường. DNNN phải đáp ứng các điều kiện cạnh tranh về sử dụng tài chính. Mối quan hệ giữa DNNN với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính nhà nước và các DNNN khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy.

Từ đó, OECD khuyến nghị: “Nhà nước cần cho phép Hội đồng quản trị của DNNN thực hiện trách nhiệm của mình và tôn trọng quyền tự chủ của họ. Nhà nước với tư cách chủ sở hữu tích cực phải thực hiện quyền sở hữu theo cơ cấu pháp lý của mỗi doanh nghiệp. Các trách nhiệm tài chính của Nhà nước bao gồm: tham gia đại hội đồng cổ đông và biểu quyết; xây dựng quy trình đề cử Hội đồng quản trị cụ thể và minh bạch ở các DNNN sở hữu toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần và tham gia tích cực vào việc đề cử Hội đồng quản trị của tất cả các doanh nghiệp; thiết lập hệ thống báo cáo nhằm giám sát và đánh giá thường xuyên của doanh nghiệp; trao đổi thường xuyên với cơ quan kiểm toán độc lập và các cơ quan kiểm soát của Nhà nước, khi mức độ sở hữu và luật pháp cho phép; đảm bảo chính sách thù lao cho Hội đồng quản trị của DNNN thúc đẩy được lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, có thể thu hút và khuyến khích các chuyên gia có trình độ cao.”

 

http://baophapluat.vn/kinh-doanh-phap-luat/nhieu-ong-lon-cang-kinh-doanh-cang-lo-khung-192087.html

Theo Mai Hoa/Pháp luật TP.HCM

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm