Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lương 260 triệu đồng/tháng, sếp làm DNNN liên tục lỗ

Nhiều doanh nghiệp nhà nước trả lương sếp tới hơn 200 triệu đồng/tháng, nhưng tình trạng kinh doanh thua lỗ lớn cũng phổ biến.

Trước dư luận về việc nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả mà lương của lãnh đạo vẫn cao ngất ngưởng, báo cáo mới nhất của Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết, tại các doanh nghiệp được kiểm toán vẫn còn diễn ra tình trạng xây dựng đơn giá, xác định mức lương tối thiểu và chi lương của một số doanh nghiệp công ích của TP HCM và Hà Nội còn sai sót, bất hợp lý.

Lương sếp hơn 260 triệu đồng/tháng...

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra các con số về tiền lương chênh quá xa giữa sếp và nhân viên. Cụ thể, tại TP HCM, có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước đô thị, chiếu sáng công cộng, duy tu giao thông, công viên cây xanh đã xây dựng đơn giá lương của lao động gián tiếp không đúng quy định tại Thông tư 27/2010 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội.

Công nhân thoát nước đô thị.
Công nhân thoát nước đô thị.

Kết quả kiểm toán cho thấy, việc áp dụng mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng dẫn đến việc một số doanh nghiệp đã trích lập đủ 100% quỹ lương năm 2012 (các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thoát nước đô thị, chiếu sáng công cộng, công trình giao thông, quản lý cầu phà, công viên cây xanh...) có tiền lương bình quân của người lao động từ 13,6 triệu đồng đến 39,4 triệu đồng/người/tháng.

Một số doanh nghiệp hoạt động công ích đã sử dụng quỹ lương của người lao động để chi bổ sung lương cho viên chức quản lý không đúng quy định, trích thêm quỹ lương cho viên chức quản lý ngoài quỹ lương kế hoạch được UBND TP phê duyệt, dẫn đến tiền lương của viên chức quản lý rất cao so với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác của Thành phố.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6 của KTNN, cho biết: Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng, lương bình quân của viên chức quản lý là 160 triệu đồng/người/tháng (chưa kể các khoản thưởng từ quỹ khen thưởng), trong đó Chủ tịch HĐTV là 205 triệu đồng/người/tháng, Giám đốc công ty là 189 triệu đồng/người/tháng.

Tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM có lương bình quân viên chức quản lý là 111 triệu đồng/người/tháng, trong đó Chủ tịch HĐTV là 217 triệu đồng/tháng, Giám đốc công ty là 262 triệu đồng/tháng. Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị thu hồi các khoản chi lương, giảm quỹ lương viên chức quản lý 19,69 tỷ đồng (trong đó, Công ty Thoát nước đô thị phải hoàn trả 11,7 tỷ đồng, Công ty Chiếu sáng công cộng hoàn trả 5,8 tỷ đồng, Công ty Công viên cây xanh 1,8 tỷ...).

Còn tại Hà Nội, có 3/3 doanh nghiệp công ích được kiểm toán (gồm công ty TNHH MTV Thoát nước, công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh) cũng chưa xây dựng đơn giá tiền lương theo quy định.

Doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần tràn lan...

Kiểm toán Nhà nước còn cho biết, sau kiểm toán tại 32 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 117 DNNN của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, và hồ sơ thuế của 1.467 DNNQD tại 34 địa phương, KTNN đã xác định các khoản mà các doanh nghiệp này phải nộp lại ngân sách nhà nước gần 2.870 tỷ đồng.

Không những thế, qua kiểm toán cũng cho thấy, trong số các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán, tình trạng kinh doanh thua lỗ tràn lan, nợ nần nhiều. Trong đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn tới nợ quá hạn, khó đòi lớn, nợ đọng kéo dài nhiều năm với số tiền lớn chưa thể thu hồi... Chẳng hạn, nợ quá hạn của Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc PVN là 9.650 tỷ đồng, công ty mẹ là gần 444 tỷ đồng, công ty mẹ Vinatex 101,49 tỷ đồng, Công ty mẹ VNPT 2.314 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, có tình trạng một số khoản nợ trong nội bộ tập đoàn hay giữa các tập đoàn với số tiền lớn, kéo dài mà chưa được giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, đến 31/12/2012, EVN nợ PVN 12.651 tỷ đồng, trong đó quá hạn từ năm 2011 là 9.650 tỷ đồng;

KTNN còn đánh giá số dư nợ phải thu, phải trả của công ty mẹ - EVN với các đơn vị trong EVN lớn, không quy định thời hạn thanh toán, việc thanh toán tiền điện của các công ty mua bán điện thuộc công ty mẹ cho các nhà máy điện thường xuyên chậm...

Cùng với đó, sự bất cập còn hiện rõ ở các khoản lỗ lũy kế của các công ty còn lớn hơn cả vốn điều lệ của chủ sở hữu. Chẳng hạn, công ty THHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đầu tư 20% vốn điều lệ vào Công ty Quy hoạch và phát triển Nhà Việt Nam - Hàn Quốc, lỗ lũy kết 417 tỷ đồng/vốn điều lệ là 379 tỷ đồng; công ty Tài chính cao su Việt Nam thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam lỗ 1.380/vốn điều lệ 1.088 tỷ; công ty mẹ Lilama góp 85,7% vốn vào công ty CP Tôn mạ màu Việt - Pháp lỗ lũy kế gần 583/69 tỷ đồng vốn điều lệ...

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty "với tay" sang đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án triển khai chậm hoặc kéo dài nhiều năm, dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư; một số dự án phải dừng thi công do không có vốn, gây lãng phí vốn đầu tư. Trong đó, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn có một số dự án được giao đất từ trước năm 2002, nhưng 10 năm sau tính đến thời điểm kiểm toán, vẫn chưa hoàn thành. Tại Cienco 5, 7/7 dự án kinh doanh BĐS được chọn kiểm toán đều chậm tiến độ; Dự án nhiên liệu sinh học ethanol do PVN đầu tư gặp khó về tài chính, đến thời điểm kiểm toán chậm 24-27 tháng, nguy cơ xảy ra tủi ro, thiệt hại về kinh tế - xã hội là rất lớn.

http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/luong-260-trieu-dongthang-sep-lam-dnnn-lien-tuc-lo-341841.vov

Theo Xuân Thân/ VOV

Bạn có thể quan tâm