Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu lương 'khủng': Công nhân chới với

Sau sự cố lương “khủng”, đa số công nhân các doanh nghiệp công ích tại TP. HCM dù không làm sai nhưng lại gánh chịu hậu quả nặng nề.

Dưới ánh nắng gay gắt, mặc cho xe cộ chen lấn, tốp công nhân (CN) Xí nghiệp Quản lý Cây xanh 2 - công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP. HCM vẫn miệt mài làm việc. Một CN tròng dây thừng vào người, thoăn thoắt leo lên cây. Năm CN ở dưới đứng chặn phương tiện giao thông, dõi theo đồng nghiệp. Nắng rát mặt, mồ hôi đầm đìa nhưng ai cũng cố gắng để hoàn thành công việc sớm.

Lương giảm thê thảm

Vào tháng 8/2013, UBND TP. HCM đã công bố kết luận thanh tra cho thấy việc chi lương cho giám đốc 4 doanh nghiệp (DN) công ích trên địa bàn thành phố cao bất thường. Cụ thể, lương của giám đốc công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là 2,6 tỷ đồng/năm, chủ tịch hội đồng thành viên là 1,6 tỷ đồng/năm; lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng 2,2 tỷ đồng/năm, chủ tịch hội đồng thành viên 2,4 tỷ đồng/năm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại công ty TNHH MTV công trình Giao thông Sài Gòn, công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh.

Công nhân vệ sinh vất vả lao động trong đêm tại TP. HCM.
Công nhân vệ sinh vất vả lao động trong đêm tại TP. HCM.

UBND TP. HCM đã kỷ luật, cách chức hàng loạt lãnh đạo của 4 công ty nêu trên, đồng thời yêu cầu các DN nộp lại ngân sách nhà nước toàn bộ khoản chi tiền lương, tiền thưởng viên chức quản lý sai quy định. Sau sự cố này, hàng ngàn CN ngành dịch vụ công ích bị giảm lương, “treo lương” khiến cuộc sống của họ hiện vô cùng khó khăn.

Tại công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP. HCM, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng ký hợp đồng thời vụ với CN đã chấm dứt nhưng thu nhập của họ lại giảm sút rõ rệt. Nếu trước đây, lương bình quân mỗi tháng của CN có thâm niên 10 năm là 8-15 triệu đồng thì nay cao nhất chỉ 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo nhiều CN, sau hàng loạt xáo trộn từ vụ lương “khủng”, những CN trẻ chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng dài hạn bị cắt hợp đồng thời vụ nên không có điều kiện theo nghề.

Bất an nhất là CN của công ty Công trình Giao thông Sài Gòn bởi đây là đơn vị giảm lương nhiều nhất, từ 200% đến 300%. CN lành nghề tại công ty có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng thì từ năm 2014, do quỹ lương chưa được duyệt nên DN chỉ có thể ứng lương cho mỗi CN 5 triệu đồng/tháng.

Phải làm đêm nhiều trong môi trường nguy hiểm, độc hại, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao nhưng thu nhập lại giảm sút khiến nhiều CN làm việc lâu năm nản chí. Anh Võ Văn Sử cho biết năm 2012, thu nhập CN rất khá (khoảng 11 triệu đồng/tháng) nhưng từ năm 2013 đã giảm xuống còn khoảng 9 triệu đồng và nay chỉ còn 5 triệu đồng/tháng. “Là lao động chính trong gia đình nên việc giảm lương đột ngột khiến chúng tôi không xoay xở kịp. Vất vả thế nào cũng được nhưng chúng tôi mong muốn có nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình”, anh bày tỏ.

Lương của lãnh đạo tập đoàn đang cao hay thấp?

Chủ tịch BIDV phàn nàn, "tất cả mọi thứ đều theo thị trường nhưng riêng lương thì không theo nguyên tắc thị trường".

Trở thành con nợ

Thu nhập của CN công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị cũng giảm thê thảm, từ 1,6 đến 1,7 triệu đồng/tháng. Thợ bậc 7 trước đây lĩnh lương trên 8 triệu đồng/tháng thì nay còn khoảng 7 triệu đồng/tháng. Anh Châu Anh Huy, CN thoát nước có thâm niên 14 năm, tâm sự: “Ban đầu chúng tôi hụt hẫng dữ lắm vì bỗng nhiên bị giảm lương nhưng DN và Công đoàn cũng quan tâm nên anh em đã cố gắng. Từ khi lương giảm, nhiều CN trở thành con nợ vì không xoay xở được chi phí sinh hoạt”.

Hiện anh Huy là lao động duy nhất trong gia đình 5 người. Vợ anh vẫn chưa thể đi làm sau ca phẫu thuật tim hơn 1 năm trước. Vợ bệnh, một mình anh gánh vác gia đình, nuôi 2 con ăn học nên khi đồng lương thu hẹp, gia đình càng khốn đốn. Nhà xa, ngày nào anh cũng phải đi làm từ 5 giờ 30 phút đến chiều tối, hôm trực gặp mưa thì đến nửa đêm mới về đến nhà. Vì vậy, dù anh muốn làm ngoài giờ để tăng thu nhập nhưng không thể. “Nhiều lúc kẹt quá, tôi phải vay mượn khắp nơi để lo cho con cái được ăn học đàng hoàng”, anh Huy thổ lộ.

Chị Phạm Thị Hòa, công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5, TP. HCM đã gắn bó gần 30 năm tại công ty. Thế nhưng, với mức lương giảm từ 10 triệu đồng xuống 7 triệu đồng, chị chật vật trang trải cuộc sống và nuôi mẹ già hơn 70 tuổi.

“Tôi còn may mắn vì chỉ có 2 mẹ con, lại có nhà ở chứ nhiều anh chị em khổ lắm. Họ là trụ cột trong gia đình, lại ở nhà thuê, nay bị giảm lương nên cuộc sống vô cùng bi đát”, chị Hòa băn khoăn. Trò chuyện dăm câu, chị lại tranh thủ nhặt nhạnh những chai nước suối bỏ trong thùng rác hay các bồn cây để bán ve chai. “Phải cố gắng kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy”, chị giải thích.

Sớm giải quyết việc nợ lương công nhân vệ sinh

Trước việc hàng ngàn CN vệ sinh đang bị “treo lương” từ đầu năm 2014 đến nay, ngày 10-6, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đã chấp thuận ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ vệ sinh đô thị năm 2014 với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố (CITENCO) và UBND các quận - huyện đã được phân cấp ký hợp đồng với các công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích quận - huyện.

UBND TP. HCM giao Sở TN-MT thuê đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn để phân tích, đánh giá, xây dựng đề án đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020. Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ nguồn vốn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2014 của Sở TN-MT.

Trước đó, CITENCO đã có văn bản “cầu cứu” UBND TP. HCM và Sở TN-MT về việc ký kết hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ đô thị trong năm. Theo đó, hơn 5 tháng đầu năm 2014, CITENCO tổ chức thu gom, vận chuyển rác, vệ sinh đô thị... với tổng khối lượng đã thực hiện ước tính trên 300 tỉ đồng nhưng chưa được UBND TP. HCM, Sở TN-MT (đơn vị ủy quyền và ký hợp đồng) thanh toán. Việc chậm trễ về mặt thủ tục pháp lý khiến áp lực từ DN lớn đè lên DN nhỏ và kết cục là CN vệ sinh trực tiếp hằng ngày làm sạch đô thị phải gánh chịu thiệt thòi.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/hau-luong-khung-cong-nhan-choi-voi-20140610223758976.htm

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm