Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra sáng 27/4, ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil, cho biết sản lượng kinh doanh xăng dầu trong quý I của công ty đạt 741.000 tấn, tương đương cùng kỳ. Dù vậy, giá dầu tăng đã hỗ trợ tích cực lợi nhuận công ty.
Theo ông Nhuộm, giá dầu thế giới đã có diến biến tăng đều từ đầu 2021 đến giữa tháng 3 và giảm nhẹ trong nửa cuối tháng. Giá dầu thô Brent cuối tháng 3 đạt xấp xỉ 61 USD/thùng, tăng 21% so với cuối năm ngoái. "Diễn biến này nằm ngoài mong đợi của các tổ chức dự đoán", CEO PV Oil cho hay.
Lý giải cho việc sản lượng không tăng, ông Nhuộm cho biết đều này do tác động của dịch Covid-19 trong tháng 2 khiến tiêu thụ xăng giảm. Ngoài ra để kiểm soát lạm phát, giá xăng dầu trong quý I không tăng.
Khó dự đoán sản lượng tiêu thụ cả năm
Đây là quý kinh doanh khả quan trở lại sau một năm chịu tác động kép từ việc giá dầu diễn biến bất lợi và đại dịch ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ. Năm ngoái sản lượng xăng dầu toàn ngành sụt giảm, riêng PV Oil giảm khoảng 8% kéo theo doanh thu sụt giảm 37%, lỗ ròng 166 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh PV Oil kể từ khi lên sàn | ||||||
Nhãn | 2018 | 2019 | 2020 | 2021F | ||
Doanh thu | tỷ đồng | 23619 | 79860 | 50028 | 55750 | |
Lợi nhuận sau thuế | 17 | 347 | -166 | 320 |
Cũng theo ban lãnh đạo PV Oil, quý đầu năm nay, tình hình diễn biến khả quan hơn nhưng dự báo nhu cầu và sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả năm vẫn khó lường khi phụ thuộc vào diễn biến và khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và thế giới.
Trên cơ sở dự báo GDP 2021 tăng trưởng 6,17-6,72%, giá dầu thế giới trung bình 45 USD/thùng và Covid-19 được kiểm soát tốt, PV Oil dự kiến sản lượng ti tăng khoảng 7% với 3,1 triệu tấn, trong đó sản lượng xăng dầu bán lẻ chiếm khoảng 28,6%.
Công ty đạt mục tiêu doanh thu tăng 10% đạt 55.750 tỷ đồng, lãi trước thuế 400 tỷ đồng. “Nếu dịch bệnh ổn định, chúng tôi kỳ vọng có thể vượt một chút so với kế hoạch”, CEO PV Oil nói thêm.
Năm nay, công ty cũng dự kiến đầu tư 521 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có cho kế hoạch mở thêm 37 cửa hàng trong năm nay.
Kế hoạch giảm vốn nhà nước
Liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc hoạt động công ty, ông Cao Hoài Dương, chủ tịch HĐQT, cho biết hiện kế hoạch này đã được cổ đông Nhà nước là Tập đoàn PVN phê duyệt. Việc tái cấu trúc bao gồm hai bước.
Trước mắt trong năm nay PV Oil sẽ tiến hành sáp nhập các công ty con quy mô nhỏ lại để củng cố quy mô, tiết giảm chi phí, gia tăng năng lực cạnh tranh. Dự kiến số lượng công ty con làm đầu mối kinh doanh giảm từ 21 xuống còn 15, mỗi công ty sau sáp nhập có quy mô khoảng 40 cửa hàng.
Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động các công ty con từ công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn để thuận lợi trong việc điều tiết hệ thống, mở rộng kinh doanh, tạo sự gắn kết giữa tập đoàn mẹ và các công ty con.
Công tác quyết toán vốn Nhà nước hiện không còn nằm trong kiểm soát của PV Oil mà nằm trên bàn cơ quan quản lý
Ông Cao Hoài Dương, chủ tịch HĐQT PV Oil
Một bước quan trọng nữa là kế hoạch giảm vốn nhà nước tại PV Oil. Ông Dương cho hay việc thoái vốn này sẽ thực hiện sau khi hoàn thành quyết toán cổ phần hóa, tỷ lệ cổ phần Nhà nước sẽ giảm theo kế hoạch sẽ giảm còn 35%. Hiện PVN đang sở hữu khoảng 80% vốn PV Oil.
Vị chủ tịch 49 tuổi thừa nhận đây là vấn đề “nợ” cổ đông nhiều kỳ đại hội nhưng đến nay thông tin liên quan đến thoái vốn đến nay cũng chưa có điểm gì mới.
“Công tác quyết toán vốn Nhà nước hiện không còn nằm trong kiểm soát của PV Oil mà nằm trên bàn cơ quan quản lý”, ông nói. Ông cho biết: “Kỳ vọng việc quyết toán sẽ chuyển biến tích cực và đáng kể trong 2021 để có thể hoàn thành thoái vốn vào năm 2022”.
HĐQT PV Oil cũng đã thông qua chủ trương thoái vốn tại công ty con PETEC cho bên mua là tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS. Theo thông tin từ PV Oil, thương vụ đã hoàn tất thủ tục thẩm định giá để làm cơ sở xác định giá bán.