Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Putin nói Thổ Nhĩ Kỳ 'đồng lõa' với khủng bố khi bắn Su-24

Tổng thống Nga hôm nay cho biết việc chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 là hành động "đâm sau lưng" Nga và "đồng lõa" với những kẻ khủng bố.

Máy bay Nga bốc cháy sau khi bị bắn rơi. Ảnh: Reuters
Máy bay Nga bốc cháy sau khi bị bắn rơi. Ảnh: Reuters

"Sự kiện hôm nay vượt ra ngoài khuôn khổ bình thường của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Rõ ràng, quân đội của chúng tôi đang làm công việc quả cảm là chống chủ nghĩa khủng bố. Mất mát hôm nay là một vết đâm sau lưng, do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện", Tổng thống Vladimir Putin phát biểu sau cuộc gặp Quốc vương Jordan Abdullah ở Moscow.

Tổng thống Putin nói rằng, chiến đấu cơ Su-24 của Nga đã bị máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khi nó di chuyển cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km. "Chiếc máy bay không đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thống Putin nói và khẳng định F-16 đã bắn Su-24 bằng tên lửa không đối không.

Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh, không ai trong số phi công trên Su-24 đe dọa lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. "Đó là điều hiển nhiên. ​Các phi công đang chiến đấu những kẻ khủng bố ở khu vực Latakia", ông nói.

Nga đã ký thỏa thuận giảm va chạm trên không với Mỹ khi không quân hai nước cùng hoạt động tại Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

"Chúng tôi sẽ phân tích tất cả mọi thứ. Sự kiện bi thảm ngày hôm nay sẽ kéo theo hậu quả đáng kể, ​gồm cả quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", Guardian dẫn lời tổng thống Nga cảnh báo.

Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay cho hay chiến đấu cơ F-16 của nước này bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga sau khi nó "vi phạm không phận”. Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định phi cơ Nga không bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ. 

Máy bay bốc cháy và tạo quả cầu lửa khi rơi xuống khu vực đồi núi phía bắc tỉnh Latakia, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây không phải lần đầu Ankara thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm bắn hạ bất kỳ máy bay xâm nhập không phận.

Thổ Nhĩ Kỳ thông qua luật giao chiến năm 2012, sau khi một trong số những chiến đấu cơ F4 của nước này bị Syria bắn rơi. Ankara tuyên bố bất cứ thiết bị trên không, biển hay trên bộ từ Syria tiến vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị coi là mối đe dọa.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm