Bắn hạ chiến đấu cơ Nga, ngày 24/11
Su-24 của Nga bốc cháy và lao xuống mặt đất hôm 24/11. |
Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay chiến đấu cơ F-16 của nước này vừa bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga sau khi nó "vi phạm không phận”. Trong khi đó, điện Kremlin khẳng định phi cơ Nga không bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay bốc cháy và tạo quả cầu lửa khi rơi xuống khu vực đồi núi phía bắc tỉnh Latakia, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây không phải lần đầu Ankara thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm bắn hạ bất kỳ máy bay xâm nhập không phận.
Thổ Nhĩ Kỳ thông qua luật giao chiến năm 2012, sau khi một trong số những chiến đấu cơ F4 của nước này bị Syria bắn rơi. Ankara tuyên bố bất cứ thiết bị trên không, biển hay trên bộ từ Syria tiến vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị coi là mối đe dọa.
Bắn hạ máy bay không người lái, ngày 16/10
Máy bay do thám không người lái bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi được cho là của Nga. Ảnh: AirLive/Twitter |
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước tuyên bố họ đã bắn hạ một máy bay không người lái đi vào không phận trái phép ở biên giới với Syria. Trước khi hành động, quân đội nước này đã 3 lần phát cảnh báo. Máy bay bị bắn ở khoảng cách 3 km trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
"Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm trong khuôn khổ của luật giao chiến", thông cáo trên trang web của Bộ Tổng Tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ viết.
Một quan chức Mỹ cho rằng, Washington nghi máy bay bị hạ là của Nga, nhưng từ chối tiết lộ thêm thông tin. Tuy nhiên, trang RT dẫn lời ông Igor Koneshenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết những máy bay của nước này vẫn an toàn.
Một ngày sau vụ bắn hạ phi cơ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ahmet Davutoglu tuyên bố: "Bất kỳ ai xâm phạm vào biên giới của chúng tôi, dù đó là máy bay có người lái, chúng tôi vẫn hành động tương tự".
Nã đạn vào chiến đấu cơ Syria, ngày 16/5
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, hai chiếc máy bay chiến đấu F-16 của nước này cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik bám theo chiếc máy bay của Syria khi nó xâm phạm không phận. Sau đó, một chiếc đã phóng 2 quả tên lửa bắn hạ mục tiêu.
Người dân địa phương Thổ Nhĩ Kỳ nói với nhật báo Hürriyet rằng, một chiếc máy bay của quân đội Syria đã xâm phạm biên giới của nước này hai lần ở khu vực Dursunlu-Emek thuộc tỉnh biên giới Hatay. Họ cho biết thêm, chiếc máy bay đã rơi thành 3 mảnh xuống bên phía lãnh thổ Syria.
Hãng tin Reuters dẫn lời các phương tiện truyền thông nhà nước Syria cho biết, phi cơ bị bắn là một chiếc máy bay trinh sát không người lái nhỏ, điều khiển từ xa.
Bắn máy bay chiến đấu Syria, ngày 23/3/2014
Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: AP |
Lực lượng Phòng không Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria ở khu vực gần biên giới hai nước. Ngay sau đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chúc mừng quân đội nước này vì vụ bắn rơi máy bay Syria, đồng thời cảnh báo về đòn đáp trả thích đáng nếu không phận bị xâm phạm.
"Sự đáp trả của chúng tôi sẽ rất mạnh mẽ nếu các người (Syria) xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan nói trong một cuộc vận động tranh cử.
Đáp lại tuyên bố của ông Erdogan, Syria gọi vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ của nước này là "sự gây hấn ngang nhiên".
Bắn rơi máy bay quân sự Syria, ngày 16/9/2013
Theo AFP, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một trực thăng quân sự của Syria bằng tên lửa. Trực thăng MI-17 bị phát hiện bay khoảng 2 km vào bên trong không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn rơi chỉ 5 phút sau khi phớt lờ cảnh báo.
"Máy bay Syria đã bị phòng không của chúng tôi cảnh báo liên tục nhưng sự vi phạm vẫn tiếp diễn. Nó rơi ngược lại lãnh thổ Syria vào khoảng 14h25 ngày 16/9, vì trúng tên lửa từ những chiến đấu cơ của chúng tôi", Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc khẳng định.
Ông Rami Abdul-Rahman, giám đốc tổ chức quan sát về nhân quyền ở Syria, cho biết một tay súng của lực lượng nổi dậy đã cướp được chiếc trực thăng và lái sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahrmet Davutoglu cho biết vụ bắn rơi máy báy ngày hôm qua như một lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới quốc gia láng giềng.
"Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận và sẽ trừng phạt bất kỳ những ai cố tình vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ một cách trái phép", ông Davutoglu nói.
Trong khi đó chính phủ Syria cáo buộc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động quá vội vàng trong khi chiếc máy bay đang trên đường quay trở lại không phận Syria. Chiếc máy bay cũng không hề có nhiệm vụ chiến đấu trong khu vực nhưng vẫn bị bắn rơi cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng", quân đội chính phủ Syria đưa ra tuyên bố trên hãng thông tấn SANA.