Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik |
Cuộc đối thoại qua truyền hình bắt đầu từ 16h (giờ Hà Nội) với các câu hỏi liên quan đến tình hình Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và kinh tế Nga. Sự kiện thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân Nga mà cả cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trong sự kiện, chính trị gia 64 tuổi cho hay ông vẫn chưa quyết định có nên tranh cử tổng thống Nga nhiệm kỳ 4 hay không.
“Tôi nghĩ còn quá sớm để nói về điều này. Trong các tình huống như vậy, tôi muốn nhắc lại rằng: chúng ta cần suy nghĩ về cách khơi dậy niềm tin của người dân hiện nay và đạt những mục tiêu, lời hứa đã đặt ra hơn là nghĩ về việc chúng ta sẽ làm gì trong tương lai”, ông Putin nói trong chương trình Hỏi và Đáp năm 2016.
Lãnh đạo Nga nhấn mạnh, các quyết định có liên quan sẽ được thực hiện tùy thuộc vào tình hình và sự tiến triển của công việc, theo Sputnik.
Liên quan đến vụ tiết lộ Tài liệu Panama trong đó cáo buộc bạn thân và các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới các thương vụ làm ăn ngầm ở nước ngoài, ông chủ điện Kremlin tiếp tục bác bỏ những cáo buộc đó.
Ông nhấn mạnh, chủ sở hữu tờ báo Đức công bố Tài liệu Panama chính là ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ. Ông cũng đề nghị Mỹ cần tôn trọng Nga.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp trừng phạt Nga, chính trị gia 64 tuổi không cho rằng, các đối tác phương Tây sẽ sớm gỡ bỏ chúng, dù thỏa thuận Minsk đang được thực thi. “Họ sẽ tìm lý do khác để giữ những hạn chế đó”, ông Putin nói.
Nga sẽ không bỏ rơi Syria
Ngoài ra, theo người đứng đầu điện Kremlin, Nga đã chống đỡ cho quân đội Syria đạt mức có thể tiến hành các hoạt động tấn công ngay cả khi Nga rút quân.
"Chúng tôi rời đi và vứt bỏ mọi thứ. Chúng tôi rút một phần lực lượng quan trọng, nhưng sau đó, chúng tôi đã đưa quân đội Syria vào vị trí mà ở đó, họ có thể tiến hành nhiều hoạt động tấn công lớn. Rõ ràng họ đã đạt một số mục tiêu quan trọng", AP dẫn lời ông Putin nói.
Lực lượng Không quân Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch không kích phá hủy các cơ sở của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm khủng bố Jabhat al-Nursa trên lãnh thổ Syria từ ngày 30/9/2015. Đến ngày 13/3, Điện Kremlin phát tuyên bố cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar Assad đã nhất trí rút lực lượng chủ chốt của Nga khỏi quốc gia Trung Đông sau khi hoàn tất nhiệm vụ.
Sau khi Nga rút một số máy bay chiến đấu khỏi Syria, quân đội Syria đã tái chiếm Palmyra từ tay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Putin hy vọng rằng thoả thuận ngừng bắn trung gian sẽ giúp các cuộc đàm phán hoà bình Syria tiếp tục, mở đường cho một hiến pháp mới và một cuộc bầu cử sớm.
"Phe đối lập Syria đang cố gắng lấy lại những gì đã mất. Chúng tôi đang theo dõi tình hình chặt chẽ và sẽ làm tất cả để đảm bảo rằng tình hình không xấu đi", tổng thống nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ là bạn
Về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin nói: "Chúng tôi coi Thổ Nhĩ Kỳ là bạn. Chúng tôi có một số vấn đề với một vài chính trị gia có hành vi ứng xử mà chúng tôi cho là chưa phù hợp".
Theo tổng thống Nga, có một cuộc nội chiến ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các lãnh đạo đang hợp tác với các nhóm cực đoan thay vì chiến đấu tiêu diệt chúng. Ông cũng khẳng định không có sự bảo đảm an toàn cho du khách Nga và vẫn còn quá sớm để khởi động lại các chuyến bay đến Ai Cập.
Trước câu hỏi "Ngài sẽ cứu ai, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay tổng thống Ukraine, nếu họ bị chết đuối", Putin trả lời rằng: "Nếu ai đó định chết chìm, bạn sẽ không thể cứu họ. Nhưng tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng đưa tay giúp đỡ bất kỳ đối tác nào, nếu họ thực sự muốn".
Người dân theo dõi cuộc đối thoại của ông Putin qua truyền hình. Ảnh: Sputnik |
Kỳ vọng kinh tế tăng trưởng vào năm tới
Nói về tình hình kinh tế quốc nội, Putin cho biết Nga sẽ không in tiền, mà sẽ thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Năm 2015, GDP của Nga giảm 3,7%. Năm nay, chính phủ dự đoán nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm nhẹ, nhưng chỉ khoảng 0,3%. Trong năm tới, Nga hy vọng mức tăng trưởng 1,4%.
Tổng thống đảm bảo rằng ông đang cố gắng hết sức để giảm bớt những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt với tình hình kinh tế suy thoái và giá tiêu dùng tăng mạnh. "Tôi hiểu tình hình rất khó khăn", ông Putin trả lời câu hỏi về lạm phát (12,9% trong năm 2015).
Ông cũng khẳng định giá lương thực tăng chỉ hiện tượng tạm thời và giá cả sẽ ổn định trở lại.
Đề cập đến bê bối liên quan đến các vận động viên thể thao Nga sử dụng chất cấm, tổng thống Nga cho biết ông không nghĩ có ẩn ý chính trị sau các vụ việc.
Quan hệ với vợ cũ rất tốt
“Vợ cũ của ngài đã tái hôn, vậy khi nào ngài sẽ giới thiệu người phụ nữ mới với chúng tôi?”, một phóng viên đặt câu hỏi về đời tư của ông chủ Điện Kremlin.
Lãnh đạo Nga nói, ông có mối quan hệ rất tốt với Ludmilla (vợ cũ của ông Putin) và thậm chí mối quan hệ này còn tốt hơn so với trước đây.
“Tôi không chắc liệu có nên nói về đời tư vào lúc này hay không, điều đó có thể khiến giá của tiền tệ hoặc dầu mỏ thay đổi”, ông trả lời hóm hỉnh.
“Mọi người muốn biết về cuộc sống cá nhân của tôi, tôi biết. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng”, ông nhấn mạnh và nói có thể sẽ tiết lộ những điều này trong tương lai.
Ngoài ra, trước câu hỏi hóm hỉnh của một bé gái 9 tuổi rằng tổng thống có thường ăn cháo vào bữa sáng và đã ai ép ngài ăn cháo mà ông không thích hay không, lãnh đạo Nga đáp: “Không ai nói ta phải làm gì. Ta ăn cháo mỗi ngày, thậm chí còn nhiều hơn trước kia. Khi càng ít răng, bạn càng thích ăn cháo”.
Chương trình Hỏi và Đáp là sự kiện thường niên tại Nga. Lần đối thoại trực tuyến thứ 14 của ông Putin đã diễn ra trong 3 tiếng 39 phút với khoảng 80 câu hỏi. Chính trị gia 64 tuổi đã lời các câu hỏi liên quan tới mọi lĩnh vực, từ chính trị trong nước và quốc tế, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, tình hình kinh tế và cả những câu hỏi về đời tư.
Một tuần trước khi cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra, ông Putin đã nhận 1,3 triệu câu hỏi. Kỷ lục về thời gian được lập ra trong cuộc "marathon hỏi đáp" là vào năm 2013, khi ông Putin trả lời câu hỏi trong vòng 4 giờ 48 phút.